CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:57

8 biện pháp phòng tránh bệnh bạch hầu

Bạch hầu là một bệnh nhiễm, trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn này chủ yếu gây nhiễm trùng đường hô hấp, và tạo ra độc tố ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Thời gian ủ bệnh là 2 - 5 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây.

Bệnh bạch hầu lây trực tiếp từ người này sang người khác qua giọt bắn từ các dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân hoặc của người lành mang trùng. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.

Tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Vắc xin ngừa bạch hầu có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.

Dưới đây là 8 hướng dẫn phòng tránh bệnh bạch hầu do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

8 biện pháp phòng tránh bệnh bạch hầu - Ảnh 1.

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh

Những đối tượng dễ mắc bệnh bạch hầu 

Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Với những người chưa được tiêm chủng, trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu. Những người sau đây cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu:

  • Người không được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch;
  • Đi tới vùng dịch hoặc những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp;
  • Người bị các rối loạn miễn dịch, ví dụ như bị AIDS;
  • Người sống trong môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.

Dấu hiệu nhận biết bạch hầu

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.

Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

  • Sốt;
  • Ớn lạnh;
  • Sưng các tuyến ở cổ;
  • Ho ông ổng;
  • Viêm họng, sưng họng;
  • Da xanh tái;
  • Chảy nước dãi;
  • Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.

8 biện pháp phòng tránh bệnh bạch hầu - Ảnh 2.

Các triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp thông thường


Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:

  • Khó thở hoặc khó nuốt;
  • Thay đổi thị lực;
  • Nói lắp;
  • Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh.

Điều trị bạch hầu

Người bị bạch hầu sẽ được tiêm một loại giải độc tố đặc hiệu để chống lại độc tố của vi khuẩn, kết hợp với kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu. Những trường hợp quá nặng cần phải mở đường thở, hỗ trợ hô hấp, đặt máy tạo nhịp cho tim…

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh