71% lao động có tay nghề sẵn sàng sang Singapore làm việc
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:51 - 03/03/2016
67% chưa có sự chuẩn bị cho dịch chuyển lao động
Con số trên như một lời cảnh báo về nguy cơ "chảy máu" lao động, nhất là lao động có tay nghề đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo bà Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search: “Lý do chính để những người lao động tham gia khảo sát chọn Singapore làm việc, bởi họ cho rằng tại đó sẽ có mức thu nhập cao hơn, phát triển nghề nghiệp tốt hơn cũng như chuyên nghiệp hơn khi làm việc trong môi trường quốc tế”.
Cũng theo Navigos Search, có tới 40% số người được hỏi cho biết, họ sẵn sàng ở lại Singapore nếu có cơ hội đến đây làm việc, con số này với Thái Lan là 32%. Thậm chí 1/2 số người khẳng định họ sẽ định cư ở nước sở tại, nếu đến làm việc tại bất kỳ quốc gia nào trong khối AEC. “Việc đội ngũ nhân sự cấp trung người Việt Nam sẵn sàng dịch chuyển nếu có cơ hội việc làm và cũng sẵn sàng ở lại nước tiếp nhận nếu có cơ hội, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với vấn đề "chảy máu" chất xám, nhất là về đội ngũ nhân sự cấp trung”, bà Vân Anh khẳng định.
Tuy nhiên, đại diện của Navigos Search cũng cho rằng, điều này sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp trong nước thu hút nhân sự giỏi từ các nước trong khu vực. Để làm được như vậy, doanh nghiệp Việt cũng cần đa dạng trong văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ quản lý cần được trang bị đủ các kỹ năng để quản lý nhân sự đến từ các quốc gia khác nhau. Số lượng nhân sự bậc trung có mong muốn chuyển tới các nước trong khu vực để làm việc là khá cao, tuy nhiên trên thực tế, phần lớn trong số này đều chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng đối với việc dịch chuyển. Cụ thể, cuộc khảo sát của Navigos Search chỉ ra có tới 67% người cho rằng, họ cần cải thiện vốn tiếng Anh để làm việc tại nước ngoài. Đây là một trong những điều kiện cơ bản nhất của hầu hết nhân sự nếu muốn làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là trong khối AEC.
Bên cạnh đó, có tới 59% người được hỏi chưa chú ý tới việc tạo và cập nhật thông tin về hồ sơ cá nhân trên các trang thông tin việc làm chuyên nghiệp trực tuyến. Đây cũng là kỹ năng cơ bản, nhưng có thể khiến cho ứng viên người Việt mất lợi thế cạnh tranh, không chỉ cho công việc tại Việt Nam mà ngay cả nhu cầu chuyển dịch sang các nước AEC cũng bị hạn chế đáng kể, Navigos Search nhận định.
Việc thiếu đào tạo kỹ năng, thủ tục visa trong khối ASEAN... sẽ là trở ngại cho sự gia tăng di cư lao động.
FDI: Đầu tư nội khối chiếm tỷ trọng rất thấp
Đối với thương mại, tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiện thương mại nội khối AEC chỉ chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch của khối nói chung, kém xa mức 60% của Liên minh châu Âu (EU) và 40% của Cộng đồng Kinh tế Bắc Mỹ. Đối với Việt Nam, xuất nhập khẩu với ASEAN chỉ chiếm 10% đối với tổng kim ngạch xuất khẩu và 20% nhập khẩu. Thêm vào đó, nhiều nước trong khối cũng là thành viên của WTO, nên việc mở rộng thương mại nhờ AEC cũng không tạo ra nhiều khác biệt, hay đột phá lớn trong việc khuyến khích thương mại nội khối so với bối cảnh có WTO. Vì thế, theo phân tích của các chuyên gia, trong ngắn hạn, tác động từ AEC đối với thương mại của Việt Nam là không đáng kể.
Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy, đầu tư nội khối chiếm tỷ trọng rất thấp trong dòng đầu tư vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, đầu tư của Singapore chủ yếu vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, khu vui chơi sinh thái, Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore. Vốn FDI từ Malaysia chủ yếu tập trung vào các liên doanh với các Cty sở hữu nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản, giáo dục và dầu khí. Thái Lan chú trọng lĩnh vực bán lẻ và một phần sản xuất đồ nhựa… Như vậy, dòng vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam không nhằm vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, mà chủ yếu là lĩnh vực bất động sản, dịch vụ.
Ngược lại, dòng vốn FDI của Việt Nam vào khối rất thấp. Nói cách khác, sự đột phá tạo ra sự mở rộng dòng vốn FDI trong nội bộ ASEAN nhờ thành lập AEC là không lớn. Chính vì thế, việc hưởng lợi từ đầu tư FDI vào khối đối với Việt Nam không đáng kể, trong khi dòng FDI từ trong nội khối vào Việt Nam có thể tăng lên đáng kể.
Đối với di chuyển lao động, theo số liệu của Bộ Ngoại giao, trong khối ASEAN, thì 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan là những nước nhận nhiều lao động nước ngoài nhất (nhận thuần). Trong khi đó, các nước như Việt Nam, Phillippines, Campuchia và Lào - những nước xuất khẩu thuần lao động. Singapore, Malaysia và Thái Lan được cho là đang bước vào giai đoạn phát triển cao hơn, nhu cầu về lao động kỹ năng cao đang tăng, trong khi nguồn cung lại chưa được đáp ứng. Theo các chuyên gia, đây là một yếu tố tốt đối với lao động ở các nước phát triển kém hơn, có thu nhập kém hơn. Tuy nhiên, việc thiếu đào tạo kỹ năng; thủ tục visa trong khối ASEAN chưa thống nhất; các khía cạnh chính trị, tôn giáo, văn hóa... vẫn sẽ là trở ngại cho sự gia tăng di cư lao động trên thực tế.