THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 11:34

7.000 tỷ: Giấc mơ 100 năm của 'đại gia' xứ Nghệ

Sau 22 năm, hơn 1.000 ha núi đá được ông chủ - vốn là thầy giáo thực nghiệm vật lí Trường chuyên Phan Bội Châu, TP. Vinh (Nghệ An) - biến thành vùng rừng “nức tiếng rừng xanh”. Giấc mơ về một cánh rừng nguyên sinh đang ngày đêm bám riết ông.

Gặp lại giám đốc “Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên” dưới chân cánh rừng hơn 1.000 ha bao quanh làng Đông Hồi quê ông ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tôi ngỡ ngàng. Bởi ở tuổi 69 râu tóc ông đã ngả bạc còn cánh rừng thì xanh mênh mông.

Vào rừng

“Cưỡi” chiếc Honda thể thao 155 phân khối, ông Nguyên rú máy trườn lên dốc đá vào rừng. Đi qua những hàng cây bạch đàn cao vút, ông cho hay đã bán được năm lứa “cây kinh tế” cộng vốn vay ngân hàng mỗi năm làm một đoạn đường. Giờ đã có đường chính dài 10km xuyên cánh rừng, hai nhánh đường phụ khoảng 2-3 km để đi bảo vệ và khai thác. Bên đường, một hồ nước rộng 3 ha chứa 500.000 m3 cũng được xây dựng để giữ độ ẩm cho rừng và có nước cho muông thú uống.

Cuối rừng bạch đàn thấy tốp nhân công đang phát cây thục bì, ông dừng xe hướng chúng tôi nhìn vào những búp thông xanh dưới bầu trời chang nắng. Ông nói: “200 ha rừng thông bắt đầu từ đây. Nhân công đang dọn đường để khách hàng khai thác lứa nhựa đầu tiên. Số tiền từ những mùa khai thác giành chi trả mọi chi phí, lương cho bộ máy quản lí và nhân công còn lại tu bổ, phát triển rừng theo phương thức lấy ngắn nuôi dài”.

Chủ rừng Lê Duy Nguyên đang dông xe giữa rừng

Nghĩa là ngoài nhiệm vụ phủ xanh đất trồng đồi núi trọc trên Rú Xước, 658 ha rừng sản xuất (200 ha thông, 438 ha hỗn giao keo, phi lao, bạch đàn và 20 ha đầm nuôi tôm) còn có chức năng quan trọng hơn là dồn sức xây dựng khu rừng nguyên sinh với 447 ha lim xanh, sao đen, trầm gió và cây sưa. Đó là bước ngoặt hết sức táo bạo trong nghề trồng rừng của ông Nguyên - chuyện tôi chưa hề gặp ở nhiều chủ rừng tăm tiếng khác.

Giấc mơ đeo đuổi

Tảng đá dựng ở ngã ba cánh rừng khắc dòng chữ: “Bạn có yêu thiên nhiên không?” của ông Nguyên. Một tảng đá khác khắc câu: “Núi kia ngàn năm đứng đó/Thăng trầm bao lần đi qua” trong bài hát “Ân tình rừng cây” do ông sáng tác. Đi qua hồ nước trong xanh dưới cánh trắng đàn cò đang thản nhiên bay liệng, ông nhắc đến một đúc kết của mình viết trên bảng nội quy bảo vệ rừng: “Thiên nhiên là người thầy, người bạn và cũng là ân nhân của con người”. Ông giải thích: “Cây rừng như một người thầy bởi luôn mọc thẳng và vươn về phía ánh sáng; người thầy ấy dạy cho tôi biết sống chân thực và có lí tưởng. Cây rừng là bạn vì nó gần gũi với cuộc sống con người. Cây rừng là ân nhân bởi rừng cho tôi nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng rừng và cánh rừng phòng hộ, che chắn bão gió; tạo ra môi trường sinh thái cho một thiên nhiên hữu ích trong cuộc sống của con người”.

Ông xăm xăm bước vào khu rừng bên trái hồ nước. Hết đứng lại ngồi bên những thân cây lim mới to bằng bắp chân, ông tự tin: “447 ha rừng lim xanh, sao đen, trầm gió và sưa đây. Mới trồng 7 năm, có cây lim cao hơn 4 m”. Thấy tôi ngạc nhiên khi trong hơn 1.000 ha rừng lại xuất hiện 447 ha cây gỗ quý hiếm. Ông đưa bàn tay nắm chặt thân cây lim nhắc lời một người dân làng Đông Hồi: “Phải 100 năm nữa, người dân vùng cao như ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương của Nghệ An về đây mới có thể nhìn thấy cây lim, vì lim ở những vùng rừng đó đang bị mất dần. Vấn đề khác là tôi muốn giữ nguồn gien của cây lim”.

Một góc cánh rừng lim

Ông Nguyên bên tảng đá khác lời lời bài hát về những năm trồng rừng gian khó

Tôi vẫn ngạc nhiên thì ông Nguyên xòa bàn tay gân guốc, nói: “Đời người bình quân có 70 năm. Đời cây lim 100 năm mới cho khai thác. Để 447 ha cây đặc chủng này thành rừng nguyên sinh như tôi mong muốn phải mất khoảng 400 năm nữa nhưng nghề trồng rừng suy cho cùng không nên chỉ lăm lăm tính toán lợi ích trước mắt”. Ông tính bài toán về cây lim: “1 ha tôi trồng 500 cây nhưng ước tính khi thu hoạch chỉ chọn 300 cây. Sau 100 năm một cây lim cho 2 khối. Nếu tính theo giá hiện tại là 30 triệu đồng/khối thì một cây lim cho 60 triệu đồng. 447 ha cây lim (giá trị gỗ sao đen, trầm gió, sưa tương đương gỗ lim) sẽ cho hơn 7,3 ngàn tỉ đồng. Đây là một rừng tiền”.

Đó là câu chuyện của 100 năm sau, khi đó ông Nguyên và cả cái con ông cũng không còn sống để tận hưởng. Vậy 100 năm nữa 447 ha rừng quý hiếm này sẽ là câu chuyện cổ tích dài dài về đời trồng rừng của ông thầy giáo “bạo gan” - tôi tâm sự với ông.

Ông bảo: “Biết vậy, nhưng thực hiện được một khát vọng của riêng mình trong đờitrồng rừng làsung sướng lắm rồi”. Hai từ “khát vọng” khiến tôi nhớ nhiều lão niên làng Đông Hồi kể về rừng Rú Xước trước năm 1960 với câu cửa miệng “hổ Rú Xước, nước Khe Son” giữa 4.000 ha rừng nguyên sinh có những cây lim hai người ôm không xuể. Do nạn đốt than liên tục gây cháy rừng và nạn tàn phá hồi đó nên sau năm 1960 rừng nguyên sinh Rú Xước dần biến mất, trơ lại những dãy núi đá cho đến năm 1993 ông Nguyên về đây cùng 64 người dân trong làng trồng rừng với bao gian lao cực nhọc vì phải vật lộn với từng kẽ đá để trồng kín hơn 1000 ha rừng trong 12 năm. Chính lẽ đó, mục tiêu của ông Nguyên không dừng lại ở rừng sản xuất mà “phải xây dựng khu rừng nguyên sinh để trả lại tên gọi cho Rú Xước quê hương”. Đó mới là đích ngắm cuối cùng trong đời trồng rừng của ông Nguyên.

Rất khác người

“Doanh nghiệp trồng rừng của bác Nguyên coi trọng mục đích vì môi trường, sinh thái hơn làm kinh tế. Bác Nguyên thích trồng loại cây bản địa, quý hiếm để nuôi dưỡng thành rừng nguyên sinh dù biết mình không được hưởng. Đó là suy nghĩ, việc làm rất khác mọi người. Chúng tôi đánh giá cao mô hình trồng rừng độc đáo này”.

(Ông Đặng Xuân Minh - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An)

Dừng bên lũng nước ẩm ướt, ông chỉ vào phiến đá nằm khuất giữa rừng cây kể những lần ngồi rình để quay clip đàn hươu ra uống nước: “Có đêm nhớ đàn hươu quá, sáng mai tôi chở vợ vô rừng rình xem con hươu giờ đã lớn như thế nào. Ngày thứ nhất rình từ 9g đến 16g không thấy. Ngày thứ hai cũng về không. Ngày thứ ba mới rình được mươi phút đã thấy đàn hươu mẹ, hươu con kéo nhau xuống uống nước. Sướng vô kể”. Theo ông Nguyên, đó là sự hưởng lợi của người trồng rừng hơn là bán cây rừng để xây nhà lầu, tậu xe hơi theo dáng những ông chủ thường thấy.

Chuyện là những năm 1996-1997 khi con hươu rớt giá vô số quán hàng làm thịt hươu bán, ông Nguyên góp tiền nhuận bút từ những bài thơ, quyên góp từ bạn bè nhà văn để mua 60 con hươu thả vô rừng. Tiếp đó, ông bỏ tiền nhờ người mua 45 con khỉ, 100 con sóc, 100 con tắc kè, 32 con chim trĩ, ba con cù liền lần lượt thả theo hươu. Năm ngoái biết ông đi chữa bệnh bên Sinapore về có người cháu mang hai con chim trĩ đến biếu để nấu cháo bồi dưỡng. Nhìn thấy chim trĩ đẹp và lạ ông mừng lắm nhưng giả vờ đồng ý để cháu về rồi ông vô rừng thả đôi chim ấy.

Như chưa nguôi nhớ loài muông thú, ông mở clip cho tôi xem cảnh thả thêm năm con hươu do ông vận động cán bộ xã và người dân mua. Đến clip thả những bầy khỉ, khi nhìn từng chú khỉ thoát ra khỏi cửa chuồng sắt nhảy như bay giữa dày đặc cây rừng, ông kể: “Thả bầy khỉ xong ngày nào tôi cũng mang hoa quả đến đặt sẵn một vị trí cho nó ra ăn. Khỉ quen nên đến giờ chỉ cần tôi “hú” vài tiếng là kéo nhau ra cả đàn. Làm được ba tháng tôi dừng lại vì sợ ai đó biết được làm theo thì có nguy cơ đàn khỉ bị tiêu diệt nếu họ có dã tâm. Mới đây, do đói quá ba con khỉ chạy về vườn dân kiếm ăn bị người ta bắt. Biết tin, tôi mang tiền đến chuộc nhưng chỉ còn một con chưa bị hành hình”. Giọng khàn khàn của ông lộ vẻ nuối tiếc còn tôi nghĩ nếu ông Nguyên tính còn 28 năm nữa hết hạn thuê đất trồng rừng thìchưa hẳn đã yêu muông thú đến mức vậy.

Rẽ vào các ngã cánh rừng, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những cây đa, cây si, cây bời lời chín quả. Ông Nguyên nói rằng “đó là những cây cho quả anh em nhân công trồng xen dặm trong rừng để tạo nguồn thức ăn cho muông thú”. Đây cũng là yếu tố để tạo nên cánh rừng tự nhiên, hướng tới vùng rừng nguyên sinh cho mai sau.

Hươu sao và khỉ đã thành đàn trong rừng ông Nguyên

6m2/1000 ha

Chúng tôi rẽ lên sườn đồi cao tựa lưng vào dãy rừng, phía trước là biển. Chỉ tay vào 6m2 đất chứa đầy cát vàng chói dưới nắng trời, ông nói: “Trong hơn 1.000 ha cánh rừng này tôi chỉ giành cho mình 6m2 để làm nơi yên nghỉ của chặng cuối đểcuộc đời mình mãi sống trong linh hồn của cây rừng và đất rừng này”.

Nói đoạn ông chuyển hướng: “Ngoài giấc mơ về cánh rừng nguyên sinh, tôi có ý định đúc tượng ông Bill Gates”. Ông Nguyên lí giải: “Có ba lí do khiến tôi nghĩ về chuyện này. Một, sản phẩm của Bill Gates mang lại hiệu quả cho toàn nhân loại được hưởng lợi. Hai, đây là một doanh nghiệp kiệt xuất rất có tài làm giàu và làm giàu vô cùng xứng đáng. Ba, khi trở nên giàu có, ông biết cách chia sẻ cho cộng đồng, đặc biệt là người nghèo”.

Riêng mộ nhà văn Đặng Văn Kí, người từng lo ngại khi ông Nguyên rời nghề thầy giáo, rời thành phố Vinh dốc toàn bộ vốn liếng cùng vợ con trở về quê khởi nghiệp nghề trồng rừng trên núi đá, đã được di chuyển từ HN về đây.

Sực nhớ về dự án “tầm cỡ” không thực hiện được, ông nhắc lại chuyện năm 2010 sau khi đọc tham luận về doanh nghiệp trồng rừng tại diễn đàn lâm nghiệp ở Hà Nội do nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn chủ trì, ông được Phó chủ tịch UBND tỉnh ĐắkLắc Nguyễn Văn Lãng mời vào khảo sát 27.000 ha đất trống ở huyện Ae Kar để trồng rừng. Ông đã cất công đi ba chuyến để khảo sát, nhưng rốt cuộc, một Phó chủ tịch tỉnh này không kí hợp đồng nên ông đành quay về. “Nếu thành công thì bây giờ dự án ấy lớn gấp hàng chục lần so với cánh rừng này, không phải chuyện đùa”, ông Nguyên lại nuối tiếc.

Bảng vàng ghi danh

Trong văn phòng Ban quản lí khá giản dị của ông giữa rừng treo Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bảng vàng ghi danh 73 doanh nhân tiêu biểu nhất trong cả nước tại Văn miếu Quốc tử giám, trong đó có tên ông; Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen, nhiều cúp, cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu nghề trồng rừng của UBND tỉnh Nghệ An tặng. Ông là đại biểu Quốc hội khóa X, hiện là ủy viên UBMTTQ tỉnh, ủy viên BCH Liên minh HTX tỉnh Nghệ An và là ông chủ của doanh nghiệp trồng rừng lớn nhất nhì trong cả nước.

Theo Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh