7 cách dùng bếp điện từ 'sai bét' gây nguy hiểm cho cả nhà
- Y học 360
- 17:04 - 14/12/2018
Bếp điện được nhiều gia đình lựa chọn nhưng nếu dùng không cẩn thận sẽ rất dễ gây cháy nổ
Theo Điện Máy Xanh, bếp điện từ dù là đồ dùng nấu nướng mang lại nhiều tiện lợi, tiết kiệm, sạch cho mọi gia đình nhưng hầu hết người dân vẫn chưa hiểu rõ các đặc điểm của bếp điện nên rất dễ mắc sai lầm khi sử dụng khiến bếp nhanh hỏng. Nguy hiểm hơn nếu gây cháy nổ trong lúc đun nấu sẽ vô cùng nguy hiểm cho chính người nấu lẫn người xung quanh. Do đó, khi dùng bếp điện chế biến người tiêu dùng không được mắc những sai lầm dưới đây:
Nấu bếp điện từ liên tục ở nhiệt độ cao dễ gây quá tải và giảm tuổi thọ của bếp
Nhiệt độ làm nóng trên bếp điện rất cao so với bếp gas, rất dễ gây quá tải và giảm tuổi thọ của bếp cũng như hỏng hóc dụng cụ nấu nướng nếu dùng liên tục ở nhiệt độ cao.
Dùng bếp điện từ dễ bị bỏng nếu không để ý
Bếp điện từ hoạt động theo cơ chế cảm ứng từ, làm nóng trực tiếp dụng cụ nấu bằng kim loại không qua mặt bếp nên mặt bếp sẽ không bị nóng như bếp hồng ngoại. Tuy nhiên trong quá trình nấu nướng, xoong chảo sau khi được làm nóng cũng tỏa nhiệt xuống dưới mặt bếp và sau khi nấu xong, do vậy không nên chạm tay ngay vào mặt bếp dễ bị bỏng.
Che kín luồng khí lưu thông khiến ẩm mốc, dễ chập mạch điện
Bếp điện từ có thiết kế tương đối gọn gàng nên nhiều người thường tận dụng tối đa khoảng trống trên bếp để sắp xếp đồ đạc, và vô tình che mất luồng khí lưu thông tản nhiệt cho bếp, dẫn đến tình trạng quá nhiệt khiến các hơi ẩm mốc trong quá trình nấu đọng lại bên trong bếp, lâu ngày có thể dẫn đến chập mạch, hỏng hóc.
Đun bếp điện nhưng dùng xoong nồi quá mỏng dễ gây cháy thức ăn, hỏng nồi
Rất nhiều người thường sử dụng các loại xoong chảo đáy mỏng để nấu trên bếp điện, phần đáy rất dễ bị biến dạng, thường là cong lên hoặc tệ hơn là thủng đáy. Đặc biệt, diện tích tiếp xúc giữa mặt bếp và dụng cụ nấu bị thu hẹp dẫn đến các món ăn chín không đều hay thậm chí bị cháy.
Bất cẩn khi sử dụng dụng cụ
Đối với bếp điện từ, tất cả các vật bằng kim loại khi đặt trên mặt bếp đều được làm nóng, do vậy phải chú ý không để các dụng cụ, đồ vật kim loại trên mặt bếp khi đang nấu nướng.
Lười vệ sinh bếp điện từ
So với bếp gas, các loại bếp điện từ có thiết kế nhỏ gọn và dễ vệ sinh hơn. Tuy nhiên, như vậy vô tình lại làm cho nhiều người ít có thói quen lau chùi, bảo dưỡng một cách cẩn thận. Ngoài ra, mặt bếp nếu ẩm ướt và không sạch dầu mỡ rất dễ bị rạn nứt nếu hoạt động ở nhiệt độ cao.
Rút nguồn điện ngay sau khi vừa nấu xong
Khi vừa nấu xong, chúng ta thường ngắt điện ngay lập tức vì muốn tiết kiệm điện, thế nhưng điều này sẽ làm cho quá trình làm mát của bếp chậm lại do quạt tản nhiệt không hoạt động nữa. Do đó, không rút điện ngay sau khi mới sử dụng bếp.