63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
- Y học 360
- 16:56 - 18/12/2020
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã bước đầu được quan tâm và thực hiện. Bộ LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, có công văn gửi các bộ, ngành, tổ chức liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban hành 3 thông tư và các tài liệu kỹ thuật triển khai mô hình. Thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã phần nào quan tâm triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo hệ thống ngành dọc triển khai thực hiện.
Tất cả 63/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định, kế hoạch, công văn triển khai thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em để triển khai thực hiện hằng năm hoặc theo giai đoạn 2016-2020, 62/63 tỉnh, thành phố là kế hoạch triển khai thực hiện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Một số tỉnh trong kế hoạch thực hiện đã bố trí kinh phí riêng dự kiến để thực hiện Chương trình về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em cho giai đoạn 2016-2020. Một số tỉnh bên cạnh kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, còn có kế hoạch liên ngành triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Từ đó, một số ngành liên quan như thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo đã ban hành văn bản triển khai cho các cơ quan báo chí, trường học về thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Tuy nhiên, quyền tham gia của trẻ em vẫn chưa được thực sự quan tâm khi chưa bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí rất ít.
Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong giai đoạn 2016-2020 được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo nói, báo hình) và các hình thức truyền thông; nhiều địa phương có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình của địa phương và bước đầu đã mang lại kết quả, đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác truyền thông còn dàn trải, chưa sâu và rộng và lồng ghép với nhiều nội dung khác, chưa thực hiện thành chiến dịch truyền thông liên tục, dài hơi nên hiệu quả truyền thông chưa cao. Chưa chủ động sử dụng mạng xã hội để truyền thông về quyền tham gia của trẻ em.
Cùng với đó, công tác nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong giai đoạn 2016-2020 đã được quan tâm và đẩy mạnh, các bộ, ngành, một số địa phương đã có những hình thức tập huấn phong phú, đa dạng, có cách làm hay phù hợp với tình hình của địa phương và đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên nội dung tập huấn quyền tham gia của trẻ em được thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên đề của các cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên. Hoạt động tập huấn chưa thường xuyên, liên tục, dài hơi để thực sự nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Nội dung tập huấn nâng cao năng lực về tổ chức lấy ý kiến của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em cho cán bộ, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội chưa được thực hiện. Trẻ em ít được tham gia tập huấn về quyền trẻ em, quyền tham gia của trẻ em mà chủ yếu tập trung là trẻ em nòng cốt.