CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:14

6 tháng đầu năm: Tai nạn giao thông giảm, ùn tắc giao thông tăng

(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Theo báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2019 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong nhiều năm; tuy nhiên, ùn tắc giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, về tình hình tai nạn giao thông, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người.

So với 6 tháng đầu năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 641 vụ (giảm 7,1%), số người chết giảm 311 người (giảm 7,55%), số người bị thương giảm 679 người (giảm 9,65%).

47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2018 và 11 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2018.

19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong 6 tháng, làm chết 73 người, bị thương 87 người.

Về ùn tắc giao thông, cả nước xảy ra 46 vụ; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 8 vụ (tăng 17,4%).

Nguyên nhân do tai nạn giao thông là 33 vụ (71,7%), lưu lượng phương tiện đông: 7 vụ (15,2%), nguyên nhân khác (sự cố phương tiện, cháy nổ, sạt lở…) 6 vụ (13,04%).

Báo cáo đánh giá 6 tháng đầu năm 2019, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, được các bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và địa phương tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Mặc dù 6 tháng đầu năm 2019 là thời gian tập trung nhiều đợt cao điểm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2019, nhân dân cả nước được nghỉ nhiều hơn 2 ngày (9 ngày nghỉ) và cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5/2019 nghỉ nhiều hơn 1 ngày (5 ngày) so với mọi năm, ngoài ra còn có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, song tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực.

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giảm sâu nhất trong nhiều năm; dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm.

Đặc biệt, việc Bộ Công an ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải, xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy…; ngành Giao thông Vận tải cả nước cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo nâng cao an toàn kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và siết chặt quản lý an toàn  đối với hoạt động vận tải; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khám sức khỏe đối với toàn bộ các lái xe, phát hiện và chấm dứt hợp đồng với lái xe dương tính với ma túy.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật xây dựng văn hóa giao thông được thực hiện đồng bộ, cả chiều rộng và chiều sâu với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, các cơ quan báo chí và cả cộng đồng mạng xã hội.

Nổi bật là sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia, không lái xe" với sự tham dự của hơn 10.000 người và tham gia truyền thông mạnh mẽ của các cơ quan báo chí cả nước đã tạo sức lan tỏa rất lớn, được dư luận xã hội ủng hộ, tạo dư luận đồng tình cao để Quốc hội khóa 14 thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế tồn tại trong 6 tháng đầu năm.

Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người, gây bức xúc dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên.

Kiểm tra nồng độ cồn người dân tham gia giao thông tại tuyến đường của xã Hua Nà (Lai Châu). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến vận tải ven biển cũng diễn biến ngày càng phức tạp với sự gia tăng nhanh chóng của đội tàu sông pha biển; tình trạng "xe dù, bến cóc" tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang có xu hướng gia tăng.

Những nguyên nhân mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng chỉ ra trong báo cáo là công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém.

Tình trạng vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, đặc biệt là dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm và trong các đô thị lớn.

Theo Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh