6 tháng đầu 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%
- Tây Y
- 18:00 - 22/07/2021
Tăng trưởng 6 tháng của Việt Nam khá cao so với các nước trên thế giới
Phó Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá (như Vĩnh Phúc tăng 14,21%, Hải Phòng tăng 13,52%, Hà Nam tăng 10,41%, Bắc Giang 10,20%, Quảng Ninh 8,02%, Bắc Ninh 7,45%. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tăng trưởng 7,66%).
Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định.
Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ nông sản (Bắc Giang bán hơn 214.000 tấn vải, cơ bản thông qua thương mại điện tử).
Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; kiểm soát chất lượng tín dụng; bảo đảm an toàn hệ thống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đang tích cực tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với nhiều dự án lớn đang được triển khai mạnh mẽ.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng
Phó Thủ tướng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thực hiện tốt các chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn". Những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Các ngày lễ lớn được tổ chức ý nghĩa, trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với tình hình. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng.
Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện. Đã kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt. Hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Đã dành 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các trung tâm quốc gia đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao. Hình thức dạy và học trực tuyến tiếp tục được triển khai rộng rãi, góp phần bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2020 - 2021. Nhiều học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (đợt 1) diễn ra an toàn, nghiêm túc. Tích cực triển khai các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chất lượng dịch vụ y tế nhìn chung được nâng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, quản lý y tế được tăng cường, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19. Các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm. Công tác người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được chú trọng; thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả ấn tượng.
Đã cắt giảm 42 điều kiện kinh doanh
Đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ giao Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện công tác xây dựng thể chế và thi hành pháp luật. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn bất cập theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.
Đã cắt giảm 42 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa gần 200 thủ tục hành chính, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa 906 quy định. Bãi bỏ 510 mã số HS với danh mục hàng hóa phải khai báo Hải quan khi xuất nhập khẩu, 49 mặt hàng phải kiểm tra nhà nước về chất lượng khi xuất khẩu, 13 mặt hàng được phép nhập khẩu theo Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.
“Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực là cơ bản; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với cùng kỳ, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số ngành kinh tế và đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng có dịch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn yếu tố khó lường”, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
6 tháng cuối năm - Quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”
Phó Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch COVID-19. "Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả”, Phó Thủ tướng Nhấn mạnh.
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết”, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc-xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư. Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đang bùng phát mạnh. Tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch.
Kiên định “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững; xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch COVID-19 và độ bao phủ tiêm chủng.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.
Các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục triển khai, mở rộng cách làm sáng tạo, sản xuất, lưu trú, cách ly ngay tại nhà máy, xí nghiệp đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, xây dựng các kịch bản, thích nghi với điều kiện mới “vừa sản xuất, vừa chống dịch ngay tại nhà máy, xí nghiệp” bảo đảm nguồn lao động cho sản xuất liên tục, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.