6 sai lầm trong dạy con mà cha mẹ nào cũng dễ mắc phải
- Y học 360
- 17:44 - 20/06/2019
Không để tâm đến việc trò chuyện với con
Trẻ nhỏ cần giao tiếp liên tục với người lớn. Tuy nhiên, do bận rộn, nhiều phụ huynh thường làm việc trong khi trẻ tự chơi, không dành thời gian nói chuyện với trẻ. Nếu điều này dần trở thành thói quen, trẻ sẽ sống trong thế giới riêng của mình. Bạn không thể lấy lại thời gian đã trôi qua nhưng từ bây giờ hãy học cách trân trọng từng phút giây bên trẻ nhỏ.
Phản ứng thái quá khi con mắc lỗi
Ví dụ, bé làm đổ chai sữa lên bàn ăn và thông thường cha mẹ sẽ ngay lập tức nổi cơn thịnh nộ, la mắng trẻ.
Đây là một phản ứng thái quá của cha mẹ đối với hành động của con. Thực ra khi trẻ thấy cha mẹ tức giận và la mắng như vậy sẽ càng cảm thấy có lỗi, sợ hãi và kết quả là trẻ sẽ òa khóc, điều này lại càng khiến người lớn căng thẳng hơn và rất dễ xảy ra xung đột.
Thay vào đó, cha mẹ hãy bình tĩnh và rủ con cùng dọn dẹp đống lộn xộn: “Mẹ con mình cùng dọn bàn ăn cho sạch nhé”. Và tất nhiên bé cũng sẽ có phản ứng tích cực với lời đề nghị không thể tốt hơn của mẹ thay vì bật khóc, sợ sệt.
Ảnh minh họa.
Không đặt ra kỷ luật cho con
Khi thấy con mình bày trò phá bĩnh hay bắt nạt trẻ khác mà bạn không hành động ngăn lại, trẻ sẽ dễ sinh tính hung hăng, khó bảo sau này. Chuyện thiếu kỷ luật trong dạy dỗ con cái thường bắt nguồn từ việc không muốn nhìn nhận đúng vào bản chất vấn đề. Các bậc cha mẹ thường không biết làm như nào để xây dựng nguyên tắc với con, do vậy họ chọn cách im lặng và không làm gì cả.
Việc nuôi dạy con theo cách này có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng như phạm pháp. Trẻ con cần được dạy về ranh giới giữa cái được và không cũng như cách tương tác, giao tiếp với người khác. Nếu chúng không được định hướng ngay từ bé, ranh giới giữa đúng, sai sẽ trở nên nhạt nhòa.
Đa phần các bậc cha mẹ không mấy khi để ý đến chuyện này bởi họ cảm thấy mệt mỏi và luôn lười biếng sau những giờ làm việc căng thẳng, cha mẹ không muốn làm gì để con cái tự do. Hãy đặt ra kỷ luật cho con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ, từ giờ giấc sinh hoạt cho đến việc học tập. Việc này sẽ tạo thành thói quen cho trẻ và cách làm việc theo giờ như vậy sẽ có những hiệu quả rất lớn đó các cha mẹ nhé.
So sánh con với con nhà người ta
Khi con mắc lỗi hay chưa đạt điều cha mẹ mong muốn thì "con nhà người ta" sẽ trở thành hình tượng mẫu để trách móc con: Con phải như thế này, con thấy bạn A không? Tại sao con lại không được như thế? Con nhà người ta… Và cứ thế tiếp diễn hàng ngày, từng sự việc, từng niềm mong ước hay từng sai lầm gì của con.
Mục đích của việc so sánh là giúp phụ huynh giải tỏa nỗi thèm khát mong muốn như "con nhà người ta", đồng thời để cho con nhìn hình tượng mà tự rút kinh nghiệm và học hỏi. Tuy nhiên, điều này không giúp khích lệ con mà mang lại tác dụng ngược, con sẽ chỉ thêm mặc cảm, tự ti hoặc con hình thành tính cách ganh ghét, đố kỵ với các bạn khác.
Tâng bốc thái quá
Bạn đã bao giờ nói những câu như "Con là người đặc biệt và duy nhất trên thế giới này" để xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ? Mục đích của bạn rất đúng đắn nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Tiểu bang Ohio (Mỹ) đã cảnh báo về hậu quả bất ngờ của những câu nói tương tự.
Brad Bushman, đồng tác giả của nghiên cứu cho rằng việc khích lệ trẻ rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu nhấn mạnh thường xuyên và tâng bốc thái quá, bạn có thể khiến trẻ trở nên kiêu căng và cho bản thân là quan trọng nhất. Do vậy, phụ huynh cần chú ý tìm điểm cân bằng.
Kỳ vọng quá cao
Không phụ huynh nào muốn trẻ trở thành kẻ thất bại. Tuy nhiên, một số người lại đặt ra kỳ vọng quá cao. Những kỳ vọng sẽ thúc đẩy trẻ thể hiện tốt hơn nhưng nếu mục tiêu không thực tế, trẻ có thể mắc các chứng rối loạn như: Mất ngủ, giận dữ, mệt mỏi hoặc lo lắng.
Ryan Hong, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Singapore giải thích: "Trẻ em trở nên sợ mắc lỗi khi bố mẹ mong chúng làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Hãy dành chút thời gian và suy nghĩ xem liệu bạn có đốc thúc con nhiều hơn mức cần thiết hay không".
Theo Gia đình và Xã hội