CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:18

6 sai lầm các mẹ thường mắc khi cho con ăn

 

1. Cho con tập ti bình quá sớm

Rất nhiều bà mẹ có tâm lý muốn tập cho con ti bình sớm từ khi 2, 3 tháng tuổi bời lo xa cho thời điểm mẹ sẽ đi làm. Tuy nhiên, khi quá nhỏ, bé đã ti bình quen, bé có thể bỏ bú mẹ và như thế nguồn sữa của mẹ sẽ sớm bị kiệt. Nếu mẹ còn vắt sữa thì tuyến sữa sẽ vẫn được kích thích và khả năng kiệt sữa sẽ không tới sớm hơn với mẹ.

Ngoài lý do đi làm, nhiều bà mẹ tập cho con ti bình vì muốn con ăn sữa ngoài để bổ sung đầy đủ dưỡng chất hơn cho trẻ. Đây cũng là một quan niệm vô cùng sai lầm bởi phải luôn khẳng định rằng, sữa mẹ là loại sữa tốt nhất và an toàn nhất đối với trẻ.

Trong sữa mẹ có đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Quan trọng nữa là trong sữa mẹ có kháng thể của bà mẹ vì thế trẻ sẽ sức đề kháng tốt để chống trọi với bệnh tật. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những đứa trẻ bú mẹ trong vòng 6 tháng đầu thường ít khi bị ốm hoặc nhiễm các loại bệnh dịch.

Bầu sữa mẹ lại là một loại bình đặc biệt tiệt trùng. Không một loại vi khuẩn nào có thể tấn công đường ruột còn non nớt của trẻ. Vì vậy, khả năng trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa khi đang còn trong thời gian 6 tháng đầu là gần như không có. 

2. Bắt con ăn dặm quá sớm

Không ít mẹ cho rằng, trẻ từ 4 tháng tuổi cần phải cho ăn dặm để “có hồ, có bột” cho cứng cáp. Nhưng thực chất, với trẻ 4 tháng tuổi có nhất thiết phải cho ăn dặm? Điều đầu tiên cần khẳng định rằng, sữa mẹ cho tới khi trẻ được 6 tháng tuổi vẫn có đầy đủ dưỡng chất nuôi trẻ.

Tuy nhiên, có những trẻ phàm ăn, 4 tháng tuổi có thể ăn dặm được nhưng không ít trẻ 4 tháng tuổi vẫn chưa thích ứng được với cách ăn này. Phản xạ nuốt thìa của trẻ còn kém, hệ đường ruột của trẻ còn non nớt để tiếp nhận bột, đạm. Có những trẻ bị đi ngoài hoặc rối loạn tiêu hóa do ăn dặm sớm. Như vậy rất không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

Thời kỳ 4 tháng chỉ là thời kỳ tập ăn dặm cho trẻ. Các mẹ có thể tập cho con ăn dặm một cách rất nhẹ nhàng. Ban đầu, mỗi bữa chỉ cần một vài thìa. Lần đầu tiên có thể cho con ăn 1 thìa chuối, đu đủ, khoai tây luộc trộn với 1 ít sữa. Cứ tiếp tục tập cho trẻ ăn như vậy khoảng 1 tuần. Sau đó, khi trẻ quen với cách ăn này thì có thể xay bột cho trẻ.

 

 

3. Để bữa ăn kéo dài quá 30 phút

Bằng mọi cách, các mẹ luôn muốn con ăn hết khẩu phần cho dù bữa ăn có thể kéo dài tới 1 tiếng hay hơn thế nữa. Điều này không chỉ gây ức chế đối với trẻ mà vô tình là một trong những nguyên nhân dẫn tới biếng ăn của trẻ.

Một bữa ăn nếu kéo quá dài sẽ dẫn tới tình trạng trẻ lúc nào cũng lưng lửng dạ, bữa nọ lấn giờ bữa kia nên những bữa ăn sau lại xảy ra tình trạng ép ăn. Cứ như thế sẽ thành một vòng luẩn quẩn. Tốt nhất là không để bữa ăn dài quá 30 phút. Nếu trẻ không ăn hết, mẹ nên bỏ đi hoặc cho trẻ nhịn. Vài lần xảy ra như vậy, trẻ sẽ tự biết sợ.

 

 

 

4. Ăn đồ vặt trước khi ăn bữa chính

Đôi khi chúng ta không hiểu được lý do tại sao con lại biếng ăn mà chỉ biếng ăn cơm còn các thứ bánh kẹo khác thì ăn rất tốt. Hãy xem lại cách cho con ăn của bạn.

Nếu trước bữa ăn 1 tiếng đồng hồ, bé nhà bạn được mẹ cho ăn 1 gói bim bim, 1 chiếc kẹo, que kem hay uống một lon nước ngọt thì đó chính là nguyên nhân khiến trẻ chán cơm. Bởi khi ăn đồ ăn nhất là đồ ngọt, lượng đường huyết sẽ tăng cao trong máu dẫn tới tình trạng bé không muốn ăn cơm dù bụng chưa no lắm.

 

 

5. Ép con ăn mà không chiều theo khẩu vị của trẻ

Các ông bố, bà mẹ thường có ý nghĩ áp đặt dinh dưỡng cho con mà ít quan tâm tới khẩu vị của trẻ. Đơn giản một điều, trẻ cũng là một sinh vật, một con người nên cũng như người lớn, trẻ sẽ có khẩu vị riêng. Nếu hợp khẩu vị, trẻ sẽ hứng khởi với bữa ăn hơn.

Tâm lý ép ăn chỉ là giải pháp tức thời. Điều này dẫn tới sự ức chế vô cùng lớn tới trẻ. Khi bị ức chế thần kinh, dịch vị của trẻ cũng không tiết ra để kích thích tiêu hóa nhanh hơn. Cảm giác nặng nề của bố mẹ phần lớn sẽ bị lan truyền sang trẻ nhỏ cũng khiến trẻ không hứng khởi khi ăn uống.

Tốt nhất nên kích thích ăn uống cho trẻ bằng cách tự nhiên. Có thể trẻ không thích ăn cơm thì sẽ thay bằng mỳ, bún, cháo, phở; có thể trẻ không thích ăn thìa thì để trẻ ăn bốc; Có thể tô màu cho bát cơm của trẻ bằng những khoanh cà rốt hay dưa chuột….có thể trẻ không thích uống sữa thì thay bằng sữa chua, váng sữa bởi đó cũng là những loại thực phẩm làm từ sữa, có hàm lượng dinh dưỡng không kém gì sữa.

Với những trẻ đã lớn từ 3 tuổi trở lên, bố mẹ nên tôn trọng sở thích khẩu vị của trẻ bằng cách hỏi xem trẻ thích ăn gì để thường xuyên đổi bữa cho con.

Và điều quan trọng là đừng quên những lời khen khích lệ trẻ. Khi được khích lệ và hưng phấn, trẻ sẽ ăn nhiều và ăn nhanh.

 

Mẹ tăng độ hấp dẫn của món ăn bằng cách "tô màu" cho cơm

 

Nên kích thích ăn uống cho trẻ bằng cách tự nhiên. Nếu còn quá nhỏ, không muốn ăn thìa, mẹ đừng ngần ngại, hãy để trẻ ăn bốc

 

6. Chỉ chú trọng cân nặng mà ít kiểm tra chiều cao

Đa phần các bậc phụ huynh thường hay bị đeo đuổi bởi khát vọng muốn con mình bụ bẫm, có da có thịt mà ít khi để ý tới chiều cao của trẻ. Chiều cao là rất quan trọng quyết định vóc dáng sau này của trẻ. Tiêu chí để đánh giá thể lực của con người phải dựa trên cả chiều cao và cân nặng.

Trẻ bụ bẫm quá mức sẽ có nguy cơ béo phì kéo theo nhiều bệnh tật như: gan nhiễm mỡ, mỡ máu, tim mạch, tiểu đường, chậm chạp phát triển trí tuệ. Đã có không ít gia đình vì khổ sở ép con ăn sau đó lại khổ sở giảm béo phì cho con.

Ngoài ăn uống, luyện tập thể dục thể thảo là rất quan trọng để trẻ có một cơ thể phát triển khỏe mạnh, cân đối.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh