6 phút phim tư liệu vô giá về Ngày Độc lập
- Tây Y
- 06:18 - 02/09/2023
30 năm sau tính từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, bộ phim Ngày Độc lập 2/9/1945 do NSND, đạo diễn Phạm Kỳ Nam mới được sản xuất và công chiếu vào lễ Quốc khánh 2/9/1975 cho cả đất nước cùng xem, trong đó có 6 phút phim tư liệu quý. Những thước phim đen trắng làm người xem xúc động với hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài “Diệt phát xít”, cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang động quảng trường. Giọng nói ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió trong giờ phút khai sinh ra nước Việt Nam độc lập đã trở thành bất tử.
Vì các cảnh quay về Ngày Độc lập rất ít nên đoàn làm phim đã phải quay bổ sung một số cảnh như: Khu Di tích 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, cảnh lá cờ tung bay trong gió được quay trên nóc Sân vận động Hà Nội... đồng thời đi đến nhiều nơi tìm cảnh đẹp trên khắp đất nước để ghép vào bộ phim. Nhóm làm phim cũng bỏ ra hàng tháng trời lục trong kho tư liệu để có những cảnh thực dân Pháp, phát xít Nhật xâm chiếm đô hộ nước ta… Và 6 phút phim ấy đã được dựng cùng với những hình ảnh khác, trên nền nhạc bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, ghép thêm lời bình và lời quốc dân tuyên thệ, bộ phim Ngày Độc lập 2/9/1945 được hoàn thành bởi đạo diễn kỳ tài Phạm Kỳ Nam và nhà dựng phim Lê Mạnh Thích. Hai đạo diễn đã tái tạo lại không khí náo nức, sôi động của ngày 2/9/1945 với lời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ trước hàng triệu đồng bào ta và thế giới: “Nước Việt Nam kể từ nay có quyền và xứng đáng được hưởng quyền tự do và độc lập!”.
Ngày 2/9/1975, nhân dân cả nước đã được xem những thước phim thiêng liêng về ngày lễ trọng đại của dân tộc, ghi nhận thành quả của những ngày tháng kháng chiến trường kỳ với máu và nước mắt.
Trong bộ phim này, có khoảng 6 phút phim tư liệu cho thấy hình ảnh duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình, hình ảnh nhân dân tham gia ngày lễ và đặc biệt là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài chuẩn bị đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Thước phim được đánh giá là độc nhất vô nhị này do nhóm làm phim gồm: Đạo diễn Phạm Kỳ Nam; quay phim Nguyễn Như Ái; biên kịch, nhà báo Hồng Hà đem từ châu Âu về. Được biết, năm 1974, đoàn làm phim đã được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ sang châu Âu làm bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, ghi lại những nơi Bác Hồ hoạt động cách mạng từ năm 1917 - 1923 ở châu Âu. Trước khi đi, đoàn vào thăm Nhà sàn Bác Hồ. Tại đây, đồng chí Trường Chinh đã giao nhiệm vụ “Đi tìm những thước phim tài liệu quay về ngày 2/9/1945 ở Hà Nội. Nếu may ra mà tìm được, phải mua bao nhiêu tiền thì Đảng, Nhà nước cũng sẽ cấp đủ tiền để đoàn làm phim mua bằng được!”. Đoàn làm phim đã đến nhiều nước Tây Âu tìm toàn bộ thông tin, tư liệu và hình ảnh về Bác Hồ, Việt Nam và Đông Dương, nhưng những tư liệu quý về Ngày Độc lập 2/9/1945 vẫn không tìm thấy.
Sau đó, đoàn gặp đạo diễn phim tài liệu người Hà Lan Joris Ivens để nhờ giúp đỡ. Đạo diễn Joris Ivens lúc đó cho biết ông không có tư liệu mà đoàn làm phim cần. Nhưng 1 tuần sau, đạo diễn Joris Ivens gọi điện cho đoàn làm phim thông tin có một người bạn của ông còn lưu trữ nhiều tư liệu phim về Đông Dương. Đoàn làm phim đã tìm đến người bạn này. Tới nơi được chủ nhà dẫn xuống kho lưu trữ phim ở tầng hầm. Ông chủ nhà soạn ra và nói rằng tặng cho đoàn 3 hộp phim về Đông Dương, nhưng không biết có đoạn phim đoàn cần không.
Đoàn quay phim đưa bản dựng xem ngay, trong 3 hộp có 2 hộp phim còn khô xem trước nhưng nội dung không liên quan đến ngày 2/9. Hộp thứ 3 bị gỉ một góc, mở ra xem đoạn đầu của cuộn phim đã bị mục, nhiều đoạn bị chảy nước nên phải cắt bỏ. Cuối cùng lấy đoạn khô còn lại đưa lên bàn dựng xem. Đầu tiên thấy một số cảnh Hà Nội, tiếp đến là cảnh đám đông nhân dân cầm biểu ngữ mừng Ngày Độc lập, tiếp đó là cảnh đoàn xe đi vào Quảng trường có cảnh sát đi xe đạp hộ tống hai bên. Rồi bất ngờ xuất hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài. Đúng là cảnh ngày 2/9/1945 - những thước phim mà đoàn làm phim đã đi tìm suốt mấy tháng ở Paris.
Sau khi đem phim về Việt Nam, đoàn đã chắt chiu hơn 6 phút phim vô giá đó, kết hợp với phim tư liệu và hình ảnh quay mới để tạo thành bộ phim Ngày Độc lập 2/9/1945 dài chừng 30 phút. Những thước phim đen trắng quý giá ấy làm người xem xúc động với hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài “Diệt phát xít”, cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang động quảng trường...
Sau này, trong một phóng sự mang tên “Đi tìm những tác giả” của bộ phim Ngày độc lập 2/9/1945 của đạo diễn Nguyễn Như Vũ (con trai nhà quay phim Nguyễn Như Ái), phát sóng trong chương trình Điện ảnh chiều thứ Bảy của VTV có hé lộ một số thông tin. Theo đó, ở cuối thước phim mà đoàn được tặng tại Pháp có ký tên người Việt Nam: Thu. Đó là một manh mối đáng giá.
"Sau khi phóng sự phát sóng trên truyền hình, một người tên Tính, ở Lai Xá (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội - nơi có rất nhiều người làm nghề nhiếp ảnh) đến tìm tôi và cho biết, vào ngày 2/9/1945 ông ấy đã đứng cạnh một người dùng máy quay phim quay bằng tay ghi lại khung cảnh ngày 2/9/1945. Ông Tính nói, người quay phim đó mặc áo dài khăn đóng Việt Nam", đạo diễn Nguyễn Như Vũ kể.
Ông Vũ cho biết, những người trong nghề đều nghiêng về giả thuyết người quay phim 2/9/1945 có thể là người Việt. Bởi thời điểm đó Chính phủ đã thuê hiệu ảnh Hương Ký (86 Hàng Trống, Hà Nội) ghi hình ngày 2/9/1945. Nhưng sau đó ông Hương Ký thông báo không quay được vì sự cố máy móc. Có nhiều giả thuyết cho rằng hiệu ảnh Hương Ký đã thuê một người quay phim, sau đó, những thước phim này lưu lạc ra nước ngoài, cho đến khi nó được trao lại cho Việt Nam. Tuy nhiên, giả thiết này lại vấp phải câu hỏi: Vậy tại sao ông Hương Ký không giao lại cuốn phim ngay sau đó cho Ban tổ chức mà lại giấu nó? Không ai giải thích được lý do khiến cho giả thiết này vẫn mãi là dấu chấm hỏi.
Một giả thuyết khác cũng được đặt ra, đó là những thước phim được quay bởi một người Mỹ thuộc phái đoàn Mỹ đến Hà Nội dưới danh nghĩa Đồng minh liền sau Tổng khởi nghĩa của ta thắng lợi.
Trải qua mấy chục năm, mặc dù rất nhiều giả thuyết được đưa ra và hầu hết những người liên quan đến bộ phim đều là người thiên cổ, nhưng cho đến nay câu hỏi: “Ai là người thực hiện những cảnh quay quý giá bậc nhất về Ngày Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” vẫn không thể có câu trả lời chính xác. Chỉ có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, cho dù có những bí mật ẩn sau 6 phút phim tư liệu đó, dù bao nhiêu năm lưu lạc đã trải qua thì cuối cùng, những thước phim quý giá ấy cũng đã tìm được đường về với đất nước Việt Nam, giúp các thế hệ người Việt hình dung được rõ hơn về thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, khi Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.