6 loại tai nạn dễ xảy ra trong nhà vệ sinh
- Y học 360
- 17:26 - 09/09/2020
Các nghiên cứu thống kê cho thấy mỗi người đi vệ sinh từ 6-8 lần mỗi ngày, tức 2500 lần mỗi năm và tương đương với chúng ta dành ra 3 năm cuộc đời chỉ để đi vệ sinh, theo Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Organization). Nhưng đồng thời, nhà vệ sinh cũng là một trong những khu vực nguy hiểm trong ngôi nhà, thường xuyên xảy ra các tai nạn.
Mới vài hôm trước, ngày 7/9, Sina thông tin Chung Hân Đồng gặp tai nạn trong nhà vệ sinh là một ví dụ. Theo đó, khi bước vào nhà vệ sinh, cô nàng bỗng nhiên bị chóng mặt và ngã đập đầu xuống sàn tạo thành vết rách trên trán khá dài, khoảng 6cm phải khâu hàng chục mũi. Hiện tại, tình hình sức khỏe của Chung Hân Đồng đã ổn định.
Thông tin đăng tải trên Sina cho thấy ngày 7/9 Chung Hân Đồng phải nhập viện khâu hàng chục mũi trên trán vì bị ngã đập đầu xuống sàn trong nhà vệ sinh (Ảnh: Weibo).
Gặp nạn trong nhà vệ sinh giống như Chung Hân Đồng không phải hiếm gặp, thực tế, theo dữ liệu nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có khoảng 235.000 người ở nước này nhập viện cấp cứu mỗi năm do tai nạn trong nhà vệ sinh, và gần 14% trong số đó phải nhập viện với tình trạng nặng.
Dưới đây là 6 loại tai nạn dễ xảy ra trong chính nhà vệ sinh của gia đình, tìm hiểu ngay để không gặp phải tình trạng này.
1. Đứng dậy quá nhanh sau khi ngồi vệ sinh lâu sẽ gây chóng mặt
Nếu ngồi trên bồn cầu quá lâu và đứng dậy nhanh sau khi đại tiện sẽ dễ gây ra tình trạng thiếu máu não thoáng qua, hoa mắt, chóng mặt và dễ té ngã.
Ngoài ra, huyết áp của bệnh nhân cao huyết áp sẽ cao hơn vào buổi sáng, nhiều người có thói quen đại tiện sau khi ngủ dậy, những đối tượng này sẽ dễ gặp tai nạn khi đi vệ sinh.
2. Nhịn đại tiện trong thời gian dài rồi mới đi
Theo bác sĩ Yang Hongxia, Phó Khoa Tim mạch, Bệnh viện An Huy thuộc Đại học Y Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, việc cố nhịn đại tiện là một yếu tố rất nguy hiểm gây nhồi máu cơ tim, đặc biệt là đối với bệnh nhân bệnh tim.
Sau thời gian dài nhịn đại tiện, khi đại tiện, tất cả các cơ quan trong cơ thể đều phải chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là vùng bụng, sẽ dẫn đến tăng áp lực ổ bụng, làm tăng lượng máu hồi về tim, huyết áp và tiêu thụ oxy của cơ tim, dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim, đau thắt ngực hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và thậm chí đột tử.
Với bệnh nhân động mạch vành nặng, việc làm này cũng sẽ gây ra vỡ các mảng xơ vữa động mạch, gây hình thành huyết khối trong lòng mạch vành, gây nhồi máu cơ tim cấp. Những bệnh nhân mắc bệnh mạch máu não và huyết áp cao có thể bị đột quỵ khi cố gắng đại tiện sau thời gian nhịn đại tiện.
3. Dễ bị ngất khi đi tiểu sau khi nhịn tiểu
Bác sĩ Cao Giang, Phó Khoa Tim mạch, Bệnh viện trực thuộc Đại học Quân y Hải quân Trung Quốc, chỉ ra rằng đột ngột đi tiểu sau khi nhịn tiểu quá lâu cũng có thể nguy hiểm.
Lúc này dây thần kinh phế vị rất hưng phấn, bàng quang làm rỗng quá nhanh sẽ làm tụt huyết áp, nhịp tim chậm lại, máu não cung cấp không đủ, gây ngất xỉu, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
4. Nhiệt độ thay đổi lớn làm huyết áp không ổn định
Nếu ngay lập tức bước ngay từ nhà vệ sinh có nhiệt độ thường (nhiệt độ phòng) ra phòng có nhiệt độ thấp do mở điều hòa, điều này tạo ra sự chênh lệch nhiệt lớn giữa 2 môi trường khiến cơ thể không kịp thích nghi làm quen, làm huyết áp của bạn có thể thay đổi một cách đột ngột và không hề tốt cho sức khỏe.
Do đó, tốt nhất bạn nên làm ấm cơ thể sau khi tắm và đứng ở vị trí "giao thoa" giữa 2 môi trường nhiệt khác nhau một lúc trước khi bước vào phòng có nhiệt độ thấp do mở điều hòa.
5. Trơn trượt gây ra những va đập
Nhà vệ sinh thường là nơi dễ trơn trượt nhất trong nhà do nước bắn ra sau khi tắm, giặt có thể khiến mọi người ngã bất ngờ, đặc biệt là khi bước ra khỏi buồng tắm.
Với những người cao tuổi, việc bị ngã trong nhà vệ sinh có thể gây ra gãy xương, những người có vấn đề về tim như bệnh mạch vành tim có thể bị đau thắt ngực do ngã bất ngờ và cần được sơ cứu ngay lập tức.
6. Nguy cơ giật điện
Một số hộ gia đình thường lắp đặt máy giặt, bình nóng lạnh và các thiết bị điện khác trong nhà vệ sinh, nếu không được đảm bảo các biện pháp an toàn về điện và bảo trì thường xuyên thì rất dễ gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn.
Các vấn đề như thấm nước trong máy giặt và sự "lão hóa" của bình nóng lạnh là phổ biến nhất, nó có thể gây ra tai nạn rò rỉ điện và điện giật.
Nguồn tham khảo: Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới, CDC, QQ, Healthline. Ảnh: Pinterest