6 dự án giao thông lớn ở Hà Nội sẽ hoàn thành năm 2019
- Tây Y
- 02:48 - 06/02/2019
Dự án đường Đầm Hồng - Giáp Bát (Hoàng Mai) dài hơn 2 km thuộc trục vành đai 2.5 được phê duyệt từ năm 2002, có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, xây dựng theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Dự án có điểm đầu từ Đầm Hồng thuộc phường Khương Trung, Thanh Xuân, đoạn cuối nối với đường Giải Phóng, Kim Đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2016, tuy nhiên do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên đến năm 2019 mới làm xong.
Tuyến đường được thiết kế với chiều rộng 40 m, hai lòng đường 4 làn xe chạy rộng 22 m, mỗi bên vỉa hè rộng 7,5 m.
Đến nay đoạn từ Đầm Hồng qua khu đô thị Định Công đã được thảm nhựa và hoàn thiện dải phân cách giữa, các phương tiện có thể qua lại. Đoạn cuối dài khoảng 600 m nối với đường Giải Phóng chưa có mặt bằng sạch thi công.
Dự án đường trục phía Nam Hà Nội (dự án BT, đổi đất lấy hạ tầng) có chiều dài 41 km, khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành tuyến đường dự kiến năm 2014, tuy nhiên, sau hơn 10 năm, tuyến đường mới chuẩn bị hoàn thiện giai đoạn một với khoảng 20 km.
Dự án có điểm đầu giao với đường Phúc La - Văn Phú (Kiến Hưng, Hà Đông); điểm cuối giao quốc lộ 1A, đoạn phía dưới Cầu Giẽ. Sau nhiều lần lỗi hẹn thông xe toàn tuyến, dự kiến cuối năm nay, dự án sẽ hoàn thiện.
Tuyến đường có mặt cắt ngang 40 m, gồm 4 làn xe, tốc độ thiết kế 60 km mỗi giờ.
20 km giai đoạn một của dự án đã được trải thảm nhựa, nhiều đoạn thuộc địa phận quận Hà Đông đi vào hoạt động.
Dự án đường nối từ đê Ngọc Thuỵ đến khu đô thị Thượng Thanh (Long Biên) được phê duyệt năm 2013 với chiều dài gần 4 km. Đầu năm 2017, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Khai Sơn tổ chức lễ khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 2.754 tỷ đồng.
Đường thiết kế rộng 40 m với 6 làn xe chạy. Sau một năm thi công, nhiều đoạn thuộc dự án đã được thảm nhựa và đang tiếp tục hoàn thiện. Vỉa hè tuyến đường rộng 5 m và đã đổ bê tông với chiều dài khoảng hơn một km.
Để xây dựng tuyến đường dài gần 4 km này, quận Long Biên phải giải phóng mặt bằng của hàng trăm hộ dân và di dời hơn 2.000 ngôi mộ. Tính riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư lên tới 1.336 tỷ đồng.
Theo hợp đồng BT, chủ đầu tư dự án được thành phố Hà Nội giao 180 ha đất thuộc địa phận của ba phường Ngọc Thụy, Thượng Thanh và Đức Giang (quận Long Biên) để xây dựng khu đô thị.
Dự kiến tuyến đường hoàn thiện vào quý 1/2019; sau khi khánh thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển của các phương tiện từ cầu Chương Dương, Long Biên đi khu đô thị Thượng Thanh và cầu Đông Trù.
Đường vành đai 3 đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long dài 5,5 km có tổng mức đầu tư trên 3.100 tỷ đồng, mở rộng mặt cắt ngang từ 56 m lên 93 m. Công trình khởi công từ 2016, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018 tuy nhiên do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên lùi tiến độ hoàn thành vào giữa năm nay. Đến nay dự án đã hoàn thiện trên 80% tiến độ.
Khoảng hơn một km đoạn qua công viên Hoà Bình được hoàn thiện đồng bộ với hệ thống đường, vỉa hè và cây xanh.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, việc hoàn thiện mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long có ý nghĩa quan trọng cho giao thông thủ đô. Đây là tuyến huyết mạch từ nội thành đi sân bay Nội Bài, liên kết các khu công nghiệp lớn, kết nối các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc qua bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát đi về phía Nam.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công năm 2011, có chiều dài 13 km đường sắt đi trên cao, 12 ga trên cao, tổng mức đầu tư sau nhiều lần đội vốn là 886 triệu USD (trên 19.000 tỷ đồng).
Dự án dự kiến hoàn thành và khai thác năm 2017 tuy nhiên do nhiều hạng mục không kịp tiến độ nên lùi thời điểm khai thác thương mại trong quý I/2019. Hiện dự án đã hoàn thiện 96% tiến độ, đang chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu hàng ngày từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa).
Các đoàn tàu chạy giãn cách 10-12 phút mỗi chuyến và sẽ đạt 5 phút mỗi chuyến khi khai thác thương mại.