CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

5 triệu ngôi nhà đạt chuẩn Ngôi nhà an toàn

Mỗi năm, khoảng 4.000 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích

Tai nạn thương tích trẻ em đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 4.000 trẻ em bị tử vong do các nguyên nhân tai nạn thương tích khác nhau, trong đó đuối nước và tai nạn giao thông là các nguyên nhân tử vong hàng đầu.

Cả nước, có 5 triệu ngôi nhà đạt chuẩn Ngôi nhà an toàn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo.

Đánh giá về kết quả thực hiện dự án Phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhận định, công tác này luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm thời gian qua. 5 năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức và cộng đồng chung tay, công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đã đạt những kết quả đáng trân trọng. Cả nước đã xây dựng được 5 triệu Ngôi nhà an toàn, 26.000 Trường học an toàn, 300 Cộng đồng an toàn, 90% trẻ biết quy định về an toàn giao thông; 40% trẻ em biết, được học kỹ năng bơi an toàn và an toàn trong môi trường nước. Đặc biệt, việc giảm số trẻ em bị tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng: "So với những năm trước, tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn do đuối nước đã giảm nhưng công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam còn rất nhiều thách thức khi kiến thức của cộng đồng, cha mẹ và người chăm sóc trẻ còn hạn chế. Chỉ một chút bất cẩn của người lớn cũng có thể gặp phải những trường hợp rất thương tâm. Nguy cơ tai nạn thương tích ở gia đình, cộng đồng và trường học vẫn còn cao, kỹ năng này cần được thầy cô giáo, cha mẹ, anh chị chỉ bảo và được nhắc đi nhắc lại liên tục. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn đuối nước của trẻ em còn cao, hàng năm vẫn có 2.000 trẻ em tử vong và tử vong do đuối nước vẫn cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng tới quyền sống còn của trẻ em và cũng ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững được Việt Nam cam kết".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong 16 năm, Việt Nam đã nỗ lực giảm được tỷ lệ tử vong trẻ em xuống 20%, đây là con số đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất cao và cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Ông hy vọng, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục vai trò tiên phong của mình và điều phối giữa các bộ, ngành và cơ quan  trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030. Ông tin tưởng khi tất cả đơn vị chức năng cùng chung tay, Việt Nam sẽ nhanh chóng giảm tỷ lệ trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích. Ông cho biết, WHO cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Dự thảo Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Chương trình đưa ra kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và giao thông. Tạo môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Cả nước, có 5 triệu ngôi nhà đạt chuẩn Ngôi nhà an toàn - Ảnh 3.

Dạy bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

Chương trình cũng đưa ra 3 mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức của cộng đồng, trẻ em và tăng cường sự ủng hộ của chính quyền các cấp về công tác phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các chỉ số cụ thể, đến năm 2025: 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, các quy định về an toàn giao thông đường bộ; 60% trẻ em trong độ tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 50% trẻ em trong độ tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở biết bơi…

Mục tiêu thứ 2 là nâng cao năng lực của các cấp, ngành, đoàn thể liên quan trong công tác phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các chỉ số cụ thể, đến năm 2030, 100% cán bộ cấp tỉnh, huyện và 90% cán bộ cấp xã, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác trẻ em được tập huấn các kiến thức kỹ năng, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em…

Mục tiêu thứ 3 là xây dựng môi trường an toàn trong gia đình, trường học và cộng đồng để giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng 7 nghìn ngôi nhà thuộc các hộ có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 12 nghìn trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; 400 xã, phường đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, các mục tiêu kế hoạch đặt ra cơ bản phù hợp với thực tế. Đồng thời khẳng định, sau 5 năm triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 234 của Thủ tướng, tai nạn thương tích trẻ em có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao. Mặc dù các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tuy nhiên trong điều kiện khó khăn về cơ sở dạy bơi, địa hình ở nhiều địa phương có nhiều ao hồ, sông suối, nắng nóng kéo dài... nên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tử vong đối với trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh