5 loại vật dụng trong phòng tắm dễ trở thành ổ của vi khuẩn gây bệnh
- Y học 360
- 18:36 - 25/08/2020
Chúng ta đều biết rằng, phòng tắm là nơi có độ ẩm cao trong nhà. Chính vì thế, các vật dụng cũng dễ dàng trở thành “ổ” vi khuẩn gây bệnh cho sức khỏe nếu bạn cứ quyết tâm giữ chúng một thời gian dài. Sau đây là 5 loại vật dụng bạn thường xuyên sử dụng lại ẩn chứa nguy cơ gây bệnh, vì vậy bạn nên chú ý kiểm tra, làm sạch và thay thế định kỳ nhé.
1. Bông tắm
Bông tắm là vật dụng được ưa thích vì chúng mang đến cảm giác thoải mái cho người dùng. Thế nhưng, chúng cũng có thể là nơi trú ẩn của các loại vi khuẩn và nấm mốc gây hại đến sức khỏe.
Bông tắm sau khi sử dụng không được phơi khô dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Lúc này, nếu bạn tiếp tục sử dụng chúng trong thời gian lâu dài (hơn 1 tháng) thì chắc chắn làn da của bạn sẽ gặp phải triệu chứng như nổi mụn nhọt, mẩn đỏ và ngứa ngáy.
Vì thế, bạn nên rửa sạch rồi phơi khô bông tắm sau khi sử dụng hoặc thay chúng ít nhất 3 tuần/1 lần để bảo vệ làn da của mình.
2. Khăn mặt, khăn tắm
Tương tự như bông tắm, khăn mặt hay khăn tắm cũng là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn. Khăn ướt cùng với không khí có độ ẩm cao như nhà tắm dễ khiến cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi.
Nếu không giặt sạch và phơi khô thường xuyên, làn da của bạn sẽ “biểu tình” ngay! Tốt nhất là bạn nên tranh thủ phơi thẳng khăn liền sau khi sử dụng, tránh để khăn bị vo tròn hay gấp nhỏ và đừng quên thay khăn mới 2-3 tháng/1 lần.
3. Lưỡi dao cạo râu
Dùng dao cạo râu cũ có thể khiến cho việc cạo râu của bạn không mấy suôn sẻ. Không những thế, dùng dao cạo mà không thay lưỡi dao làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da và gây nổi mụn trứng cá do vi khuẩn tích tụ lâu dài. Một sai lầm phổ biến của nam giới là để dao cạo của họ ở những nơi ẩm ướt, điều này thúc đẩy nhanh sự phát triển của vi khuẩn.
Do đó, sau khi cạo xong, hãy rửa sạch lưỡi dao rồi để khô ráo hoặc cất vào nơi thoáng mát. Ngoài ra, khi bạn phát hiện thấy lưỡi dao có dấu hiệu bị cùn, gỉ sét hay đóng cặn bẩn mà không thể rửa sạch, đã đến lúc bạn “chia tay” với lưỡi dao đó. Để hạn chế tối đa các khả năng lây lan của vi khuẩn, bạn cũng nên thay lưỡi dao sau mỗi 5-7 lần cạo dù có tiếc đến cỡ nào đi chăng nữa.
4. Kem đánh răng
Theo nguyên tắc, một khi bạn đã mở nắp kem đánh răng thì các chất bên trong sẽ tiếp xúc với không khí và dần dần thay đổi theo thời gian. Nói cách khác, các thành phần trong kem sẽ phân tách hoặc kết tinh từ 12 đến 18 tháng, khiến cho mùi vị bắt đầu nhạt dần, chất florua hoạt động kém hiệu quả và thậm chí trở thành nơi cho vi khuẩn có thể xâm nhập.
Nếu bạn lo sợ không thể xài hết tuýp kem đánh răng thì bạn có thể mua tuýp nhỏ, sử dụng trong vòng từ 1-2 tháng để đạt hiệu quả cao nhất.
5. Bàn chải đánh răng
Một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề về răng miệng là do vi khuẩn ẩn chứa trong bàn chải đánh răng sử dụng lâu ngày. Bên cạnh đó, chức năng làm sạch mảng bám của bàn chải sẽ suy giảm vì sợi lông bàn chải bắt đầu rơi rụng khi dùng sau thời gian dài.
Vì vậy mà các nha sĩ khuyên chúng ta nên thay bàn chải từ 3-4 tháng/1 lần, cất giữ chúng ở nơi riêng biệt và khô ráo để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Source (Nguồn): Sohu, Thehealthy, Menshealth, Goodhousekeeping. Ảnh: Sina, Pinterest