THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

5 giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội giai đoạn 2023 - 2025

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đàm Thị Minh Thu

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đàm Thị Minh Thu

Từ ngày 23 - 24/3/2023 tại thành phố Cần Thơ, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm (2021 - 2022) thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025.

Bên lề Hội nghị, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đàm Thị Minh Thu trả lời phỏng vấn báo chí về những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua và bàn giải pháp phòng ngừa thời gian tới.

- Thưa bà, nhìn lại 2 năm qua trong thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội đâu là điểm nhấn, cũng như những kết quả nổi bật mà bà có thể chia sẻ?

- Bà Đàm Thị Minh Thu: Trong 2 năm qua, thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên phạm vi toàn quốc nói chung, sau khi thực hiện, hoàn thành và kết thúc các nhiệm vụ giải pháp trong Chương trình mục tiêu quốc gia, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng đã tập trung xây dựng chương trình cho giai đoạn tiếp theo đối với cả 3 lĩnh vực.

Thứ nhất là lĩnh vực phòng, chống mại dâm. Thứ hai là phòng, chống ma túy. Và thứ ba là lĩnh vực phòng, chống mua bán người. Theo đó thì Bộ LĐ-TB&XH ban hành các kế hoạch tổng thể thực hiện 3 chương trình nói trên.

Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thống nhất tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng chống mua bán người theo lộ trình từng năm và cả giai đoạn 2021- 2025.

Trong 2 năm qua, có thể nói những tác động của đại dịch covid-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt mua bán và đưa ra nước ngoài trái phép.

- Do phải thực hiện giãn cách xã hội, công tác phòng chống mại dâm cũng có nhiều biến tướng, khó quản lý hơn. Trong bối cảnh đó, với chức năng của mình, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã có những giải pháp nào để làm tốt công tác quản lý, và những chính sách cụ thể gì trong việc hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán người, thưa bà?

- Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chức năng hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng. Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch của Covid-19, đã làm gia tăng nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị lừa gạt  thì trước bối cảnh đó, Cục cũng đã có một số những giải pháp như sau.

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về âm mưu thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là thủ đoạn lừa đảo người lao động sang Campuchia làm việc để đăng tải trên các phương tiện truyền thông cũng như trên trang thông tin điện tử của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

Đồng thời cũng đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban, ngành tại địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, hướng đến các đối tượng có nguy cơ cao như: Người trong độ tuổi lao động, người không có việc làm và người dân tộc thiểu số và những người dân ở khu vực miền núi.

Thứ hai, để tiếp cận và hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân bị mua bán thì Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao ký Quy chế phối hợp về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với mục tiêu tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng, đảm bảo cho nạn nhân được tiếp cận và hỗ trợ kịp thời, giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững.

Đến nay thì đã có trên 30 tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành Quy chế, kế hoạch phối hợp trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân dân cấp tỉnh.

Thứ ba, Cục cũng đã trực tiếp phối hợp với các tổ chức quốc tế hoặc là chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện các mô hình thí điểm về hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.

Theo đó thì tại các tỉnh có thí điểm mô hình đã tiến hành sàng lọc để xác định những người bị mua bán người, di cư dễ bị tổn thương và đánh giá nhu cầu của họ, để thực hiện các chính sách hỗ trợ cần thiết như: Hỗ trợ về con giống - vật nuôi, hỗ trợ các phương tiện, thiết bị kinh doanh rồi nguồn vốn nhằm giúp các nạn nhân và thân nhân của họ ổn định cuộc sống và tránh trường hợp bị mua bán trở lại.

- Thưa bà, Luật Phòng chống ma túy năm 2021 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó công tác cai nghiện có nhiều điểm mới. Qua một năm triển khai luật bà có đánh giá như thế nào về lĩnh vực này?

- Có thể nói, những quy định mới của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được lựa chọn các hình thức cai nghiện phù hợp và cũng đã huy động tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để tham gia vào quy trình cai nghiện ma túy.

Tuy nhiên, việc áp dụng và thực hiện các quy định mới của Luật tại địa phương đang gặp một số những khó khăn vướng mắc.

Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thì người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện khai báo đăng ký cai nghiện ma túy mà cũng không có khả năng đóng góp chi phí cho cai nghiện ma túy. 

Việc theo dõi và quản lý tiếp nhận, cảm hóa, giáo dục đối với người nghiện thì gặp khó khăn vì họ thường xuyên không có mặt tại nơi cư trú.

Phần lớn các cơ sở y tế trực thuộc ngành y cấp xã, cấp huyện đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhưng mà không tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện, vì các cơ sở này không được giao chức năng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Và một khó khăn nữa là đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình cộng đồng thì bắt đầu mới được hình thành theo Nghị định 116 nên chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn về tư vấn cai nghiện ma túy.

Về cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập thì Luật Phòng, chống ma túy quy định cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên, đa số các cơ sở cai nghiện ma túy đang không tuyển được bác sĩ đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề. Đó cũng là một khó khăn.

Tiếp đến là về công suất tiếp nhận thì hiện tại trên phạm vi cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 13 cơ sở cai nghiện ngoài công lập.

Tuy nhiên, nếu so với công suất của các cơ sở cai nghiện ma túy mà tính theo quy định của Nghị định 116 thì thực tế các cơ sở hiện có mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.

Về chất lượng, điều kiện và cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở thì cũng rất là khó khăn do các cơ sở cai nghiện ma túy được xây dựng đã rất lâu rồi hoặc là tiếp nhận từ hệ thống khác nên không có thiết kế phù hợp với việc tổ chức cai nghiện ma túy.

Hơn nữa thì cũng khoảng hơn 50% cơ sở không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện các quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho người nghiện, đặc biệt là áp theo các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Đội ngũ viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện ma túy thì còn rất thiếu về số lượng và cũng chưa có các chính sách thu hút chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy nên không thu hút được lao động làm việc lâu dài.

Đặc biệt là đối với nhân sự là y bác sĩ và hiện tại thì các địa phương cũng chưa quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo các quy định tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 116.

Còn về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện và tại các cơ sở cai nghiện tư nhân thì cũng có những khó khăn.

Thứ nhất là chế độ chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập thì chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Thứ hai vì đây là hoạt động không có lợi nhuận thu từ dịch vụ cai nghiện ma túy, người nghiện thì đa phần là thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không tự chi trả được các chi phí dịch vụ cai nghiện.

Do vậy mà cũng chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

- Trong giai đoạn 2023- 2025, với những khó khăn thách thức mới đặt ra, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tham mưu và triển khai những những giải pháp gì đề nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội, thưa bà?

- Để nâng cao hiệu qua trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, trong giai đoạn tới Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng sẽ triển khai một số những giải pháp.

Thứ nhất tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Thứ hai, tiếp tục làm tốt công tác phòng ngừa mại dâm, mua bán người và người nghiện ma túy thông qua các hoạt động truyền thông và lồng ghép phòng, chống tệ nạn xã hội với các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

Thứ ba là xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm, nạn nhân bị mua bán để đảm bảo theo hướng dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng đích.

Và đề xuất phương án đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện ma túy công lập, các đơn vị sự nghiệp mà cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình cộng đồng bộ đáp ứng yêu cầu của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116.

Cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy để đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho cơ sở cai nghiện ma túy công lập và các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

Thứ tư là tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các cấp cơ sở để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, đẩy mạnh phối hợp liên ngành liên cấp trong việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hà Nam (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh