5 điều quan trọng bố mẹ cần làm để hỗ trợ con có một khởi đầu tốt đẹp trong tương lai
- Bác sĩ
- 02:57 - 18/06/2020
Trên hành trình nuôi dạy con cái, bố mẹ thường xuyên phải đối mặt với câu hỏi làm sao để có thể chuẩn bị nền tảng tốt nhất cho con trong tương lai. Nhiều bố mẹ lựa chọn những phương pháp giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới, cho con theo học những trường top, cũng có nhiều bố mẹ lựa chọn để con tự do khám phá bản thân, rèn luyện kỹ năng mềm.
Nhưng trên thực tế, để định hình tương lai thành công cho một đứa trẻ, bố mẹ cần giáo dục con từ khi con mới lọt lòng chứ không phải đợi con lớn mới cố gắng dạy dỗ. Và 5 điều đặc biệt dưới đây là những việc quan trọng nhất bố mẹ cần làm để hỗ trợ con có một khởi đầu tốt đẹp trong tương lai:
1. Trò chuyện với con ngay từ khi chúng vừa chào đời
Kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân cho chính con, việc được giao tiếp cũng giúp con củng cố sự tự tin và năng lực trở thành những sinh viên đứng đầu hay người lãnh đạo trong tương lai. Việc bồi dưỡng khả năng này cần được thực hiện ngay khi con vừa chào đời chứ không cần phải đợi cho đến khi con bắt đầu nói những từ đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Iowa đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể tham gia vào cuộc trò chuyện của mọi người trong gia đình. Tiến sĩ Peter M. Vishton là người tài trợ cho dự án nghiên cứu này chia sẻ: "Việc trẻ sơ sinh tham gia vào cuộc trò chuyện với mọi người giống như một điệu nhảy nhịp nhàng, con hoàn toàn cảm nhận được cảm xúc của người đang nói chuyện với mình cũng như mọi người xung quanh. Những tiếng bập bẹ của con chứng tỏ con đang tham gia vào cuộc trò chuyện và phát triển khả năng giao tiếp của mình".
Một nghiên cứu chung tại Đại học MIT, Harvard và Pennsylvania cũng đã chỉ ra rằng trẻ em từ 4 đến 6 tuổi tham gia trò chuyện qua lại một cách hiệu quả đã kích hoạt một phần của bộ não liên quan đến sản xuất lời nói. Hơn nữa, những đứa trẻ được tham gia trò chuyện thường xuyên đã thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra về khả năng thông thạo ngôn ngữ cũng như khả năng giao tiếp của mình.
Bằng cách tích cực tạo ra những cuộc trò chuyện ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con không chỉ tiếp thu ngôn ngữ nhanh hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển trí não một cách vượt trội.
2. Không bao giờ cho con xem thiết bị điện tử khi ăn
Dành thời gian ăn cơm để xem các thiết bị điện tử thường khiến thành công của con gặp cản trở, dễ dàng gặp phải rắc rối ở trường, dễ mắc bệnh béo phì và không biết tương tác trong xã hội thực tế.
Tiến sĩ Vishton nói: "Nếu trẻ nhỏ dành một giờ khi ăn uống để xem các thiết bị điện tử, chúng cũng sẽ dành một giờ để tạo ra những kích thích tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và cơ thể chúng".
Bất kể là lý do gì hay chương trình đặc biệt đến như thế nào, bố mẹ cũng nên kiên quyết loại bỏ các thiết bị điện tử ra khỏi bàn ăn của trẻ ngay hôm nay. Thay vào đó, hãy tích cực trò chuyện, trao đổi với trẻ trong khi ăn, chính những bài học trên bàn ăn lại là những kinh nghiệm và kiến thức quý báu theo chân trẻ đến suốt đời.
3. Đảm bảo con được ngủ đủ giấc
Đối với trẻ nhỏ, không chỉ thời gian ngủ mà giờ ngủ cũng ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến sự phát triển não bộ của trẻ.
Trong một nghiên cứu tại Đại học Arizona, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ ngủ trưa trong vòng 4 giờ sau khi học một từ mới hoặc quy tắc ngữ pháp có nhiều khả năng nhắc lại chính xác những khái niệm đó vào ngày hôm sau. Trẻ 18 tháng tuổi thậm chí có thể học các quy tắc và áp dụng chúng trong các câu hoàn toàn mới nếu được ngủ một giấc ngủ ngắn sau khi học. Nhưng chúng lại không thể làm được điều đó nếu bị buộc phải thức liên tục khi học xong những khái niệm mới.
Đặc biệt, sự cần thiết của giấc ngủ càng quan trọng hơn khi chúng đi học. Não bộ của trẻ sẽ phát huy khả năng ghi nhớ, phát triển tư duy một cách mạnh mẽ nhất trong khi trẻ đang ngủ. Khi con bắt đầu học tiểu học, con cần được ngủ từ 9 - 11 tiếng mỗi đêm để phát huy tối đa những gì chúng học được trong lớp ngày hôm trước.
4. Dạy con biết coi trọng sự kiên trì
Tại trường Công giáo Holy Redeemer ở Johns Creek, Georgia (Mỹ), Hiệu trưởng Lauren Schell nhận thấy những học sinh đạt được thành công trong học tập đều là những em có tính nhẫn nại và kiên trì cao độ: "Trẻ em có xu hướng làm thật nhanh mọi việc để nhận được phần thưởng nhưng thành công trong học tập lại liên quan đến nỗ lực bền bỉ và sự kiên trì cố gắng. Là cha mẹ, chúng ta cần giúp đỡ các con coi trọng đức tính này và biết nỗ lực để đạt được mục tiêu".
Xây dựng thói quen và đặt kỳ vọng cho con sẽ giúp chúng hiểu được lợi ích cứ đức tính kiên trì và sự nỗ lực. Mục tiêu của bố mẹ dành cho con có thể nâng cấp dần theo thời gian và độ tuổi của trẻ. Hãy đưa ra những mục tiêu đơn giản để tăng dần sự chú ý cũng như tính kiên trì của con, như thế con sẽ dần dần học được những điều quan trọng này.
5. Khuyến khích trí tưởng tượng của con
Những trò chơi trong trí tưởng tượng của trẻ luôn đầy màu sắc và cực kỳ cần thiết cho khả năng phát triển tư duy của con. Đối với trẻ nhỏ, chơi chính là cách học hiệu quả nhất. Khi con tự mình tưởng tượng ra những điều đặc biệt và chia sẻ nó với bố mẹ, đừng bao giờ bỏ qua hay coi nhẹ chúng. Bố mẹ cần trân trọng và khuyến khích con tưởng tượng nhiều hơn. Nếu có thể, hãy tham gia cùng con trong trò chơi tưởng tượng đó.
Khi các con được thỏa sức tưởng tượng, khả năng giao tiếp, đưa ra quyết định cũng như cách giải quyết vấn đề được cải thiện rõ rệt. Con cũng tự tin vào bản thân mình hơn để có thể phát triển bản thân tốt hơn.