THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:19

5 điểm khác biệt trong cách chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam được WHO khen ngợi

1. Xác định được các ca bệnh F0

Trong "Hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn thanh Long đã phân tích những điểm khác biệt của Việt Nam trong công tác phòng dịch Covid-19.

Về chiến lược phòng chống, Việt Nam kiên trì, kiên định những chiến lược đã đề ra, nhưng có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình dịch. 

Điểm mạnh của Việt Nam là xác định được bệnh nhân số 0, từ đó, ngành y tế kiểm soát được vùng có dịch, ngăn chặn lây lan. Bước tiếp theo vẫn phải quyết liệt, mạnh mẽ, triệt để hơn nữa.

Ông Long cho hay: "Việt Nam vẫn đang quyết tâm kiểm soát các ca bệnh xâm nhập. Chúng ta đã làm rất tốt việc ngăn chặn các ca xâm nhập trong thời gian qua. Trong trường hợp nếu không kiểm soát tốt có bệnh nhiễm trong cộng đồng thì rất khó để kiểm soát.

Chúng ta đã coi khu vực Schegen, Anh, Mỹ là vùng tâm dịch và đã dừng cấp thị thực cho khách nhập cảnh tại khu vực và các nước trên.

Ngày hôm qua, tất cả hàng khách về từ khu vực này đều tiến hành cách ly toàn bộ; Tiếp tục ngăn chặn tại biên giới phía Bắc; Phía Nam vẫn tiếp tục khai báo y tế. Chúng ta vẫn thực hiện chiến lược kiên trì nhưng sẽ đẩy ở mức độ cao hơn".

5 điểm khác biệt trong cách chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam được WHO khen ngợi - Ảnh 1.

Khử trùng tại những khu vực nhiễm cơ bệnh.

2. Điểm sáng cách ly

Theo Thứ trưởng Long, Việt Nam đang làm rất tốt công tác cách ly. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá rất cao việc thực hiện cách ly tại chỗ của Việt Nam.

Nếu ở nước ngoài các trường hợp tiếp xúc được cách ly tại nhà. Nhưng tại Việt Nam tất cả các trường hợp tiếp xúc gần đều được cách ly tại các cơ sở. Đây là điều rất đặc biệt của Việt Nam trong công tác cách ly.

Ông Long phân tích: "Người sống chung với người nhiễm bệnh có thể không lây trực tiếp nhưng có thể lây qua các dụng cụ, bề mặt trong ngôi nhà. Vì vậy, toàn bộ thành viên trong gia đình sống cùng với bệnh nhân phải cách ly tập trung bắt buộc.

Nếu các trường hợp này đã cách ly rồi sau có phát hiện ra bệnh thì khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất thấp. Rất nhiều ca  bệnh đã được phát hiện khi đã cách ly tập trung khi đó xử lý rất dễ.

Tại Sơn Lôi chúng ta đã thực hiện cách ly cộng đồng ở mức độ rất rộng. Nhưng gần đây chúng ta đã điều chỉnh ở mức độ khoanh vùng nhỏ hơn, như vậy đảm bảo được vấn đề đời sống và phòng bệnh tật. Chúng ta phải đảm bảo cách ly và không để lây nhiễm trong các trường hợp cách ly".

3. Điều trị từ tuyến xã

Tính tới thời điểm hiện tại Việt Nam đã ghi nhận 53 ca nhiễm Covid-19, trong đó 16 ca đã khỏi và xuất viện.

Ông Long cho hay: "Quan điểm của Việt Nam là không tập trung điều trị tại một nơi mà phân tuyến. Điều trị tại chỗ ngay tại địa phương với những ca nhẹ, triệu chứng nhẹ, chỉ những ca nặng thì mới chuyển lên tuyến trên để điều trị".

Việt Nam luôn chuẩn bị kịch bản xấu để ứng phó khi tình huống xấu. Phác đồ điều trị của Việt Nam luôn thay đổi để tiếp cận với khoa học các nước.

4. Phát hiện sớm thông qua xét nghiệm nhanh

Theo ông Long, việc phát hiện sớm bệnh nhân thông qua xét nghiệm nhanh và chính xác có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Từ ngày 14/3, Việt Nam thực hiện xét nghiệm ngay tại cửa khẩu, cảnh hàng không cho tất cả các du khách, người Việt nhập cảnh từ Châu Âu, Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ thực hiện khai  y tế và xét nghiệm cho các trường hợp đã nhập cảnh trước đó.

"Chúng ta sẽ đẩy nhanh việc xét nghiệm, rút ngắn kết quả trong 24 giờ. Sắp tới chúng ta sẽ thực hiện xét nghiệm rút ngắn thời gian để phát hiện ca bệnh nhanh hơn", ông Long nói.

5. Áp dụng công nghệ để chống dịch


5 điểm khác biệt trong cách chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam được WHO khen ngợi - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ từ các đơn vị công nghệ, Bộ Y tế đã khai trương trang tin cung cấp thông tin kịp thời trên quan điểm minh bạch.

Bộ Y tế cũng khai trương nhiều phần mềm (app) giúp người dân nắm thông tin, áp dụng tờ khai y tế điện tử quản lý toàn bộ khách nhập cảnh. Các cửa khẩu cần thực hiện tốt hơn nữa việc khai báo y tế điện tử để tránh gây ra ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu, sân bay và làm giảm thời gian từ việc phải nhập dữ liệu từ tờ khai giấy.

"Trước đây, với chuyến bay VN0054, Việt Nam mất 4 ngày mới kiểm soát được hết hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong chuyến bay sau, chúng ta chỉ mất hai ngày và hiện nay mất nửa ngày để biết hành khách đang ở đâu.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao cho Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phấn đấu việc truy xuất này dưới 30 phút. Để làm việc này không gì khác phải bằng công nghệ. Vừa rồi, chúng ta đã phát triển app khai báo y tế điện tử, khai báo y tế toàn dân. Mọi người phải thực hiện khai báo đầy đủ, chúng ta mới triển khai được việc này hiệu quả", ông Long nói.

Ngọc Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh