5 dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ mắc tự kỷ
- Sức khỏe
- 13:52 - 12/12/2015
Ảnh minh họa.
Theo Medicalxpress, một thống kê gần đây của Trung tâm Phòng, chống và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ cho thấy tỷ lệ trẻ bị tự kỷ đang ngày càng tăng, cứ 88 bé thì có một em bị tự kỷ. Tại Việt Nam, thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trường học, chiếm 30% học sinh mắc các khuyết tật học đường. Con số này được cho là chưa phản ánh hết thực trạng vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường. Thông tin liên quan đến hội chứng này ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng còn nhiều hạn chế, vì vậy có thể ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ.
Connie Kasari, giảng viên Tâm lý phát triển con người và Tâm lý tại UCLA, đưa ra 5 dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị tự kỷ, giúp cha mẹ sớm nhận biết và điều trị kịp thời cho con:
Trẻ không phản ứng khi được gọi tên
Trẻ tự kỷ thường không phản ứng khi được gọi tên, trong khi bé dưới một tuổi phát triển bình thường sẽ phản ứng với tên của mình bằng cách hướng sự chú ý vào người gọi.
Trẻ tự kỷ phản ứng với âm thanh, song có chọn lọc. Ví dụ, trẻ tự kỷ có thể không nhận ra cha mẹ đang gọi tên mình, nhưng lại đột ngột phản ứng bất ngờ với tiếng nói từ tivi. Nhiều phụ huynh nghĩ nhầm con em mình có vấn đề thính giác. Đây là dấu hiệu cho thấy cha mẹ cần để ý kỹ phản ứng của con mình hơn.
Trẻ không tham gia vào cuộc vui chung
Trẻ tự kỷ sẽ không hay nhìn theo hướng chỉ tay của người khác, không quan sát từ đồ vật sang người, cũng không khoe hoặc chỉ đồ vật hoặc đồ chơi cho bố mẹ. Trong khi trẻ bình thường có xu hướng tham gia vào cuộc vui chung, thường nhìn theo hướng tay chỉ; hoặc khoe đồ chơi với người khác và cười đùa vui vẻ.
Trẻ không biết bắt chước
Trẻ con thường sẽ bắt chước người khác như vẫy tay, vỗ tay hay những cử chỉ tương tự khác. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ sẽ ít thể hiện biểu cảm nét mặt hoặc cử chỉ theo người khác, và đặc biệt trẻ không bắt chước.
Trẻ không đáp ứng cảm xúc
Trẻ thường luôn đáp ứng với người khác; chúng cười khi ai đó mỉm cười với chúng, khóc khi ai dọa nạt hay có biểu hiện gương mặt đáng sợ. Trẻ tự kỷ có thể không phản ứng với nụ cười hoặc lời mời chào của người khác, cũng không quan tâm hay bị chi phối bởi thái độ, nét mặt của người khác.
Trẻ không chơi các trò chơi giả vờ
Khả năng "chơi giả vờ" thường phát triển vào cuối tuổi lên 2. Ví dụ, trẻ có thể giả vờ là mẹ ru búp bê ngủ, chải tóc hay nấu ăn cho búp bê. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường không hề kết nối với các đồ vật, khả năng "chơi giả vờ" không xuất hiện ở trẻ tự kỷ dưới 2 tuổi.