5 câu nói vô duyên nhất chốn công sở
- Y học 360
- 16:52 - 15/07/2020
1. "Không có ý xúc phạm đâu, nhưng mà..."
Nếu muốn đưa ra lời khuyên hoặc phán xét một ai đó, trước hết bạn cần tự hỏi liệu đối phương có muốn được nhận không? Trong trường hợp họ diện bộ quần áo hay khoe về một món đồ mới, tốt nhất dù có thích hay không thì bạn vẫn nên im lặng. Tất cả những gì sau câu "nhưng mà" đều mang hàm ý tiêu cực và khiến bạn dễ trở thành một kẻ xấu tính trong mắt đồng nghiệp.
Thay vào đó, hãy biết chắc chắn rằng dù có đưa ra ý kiến thì nó cũng cần được xây dựng trên nhiều luận điểm khách quan. Bởi nếu lời nói chủ quan sẽ trở thành công kích cá nhân và cụm "không có ý xúc phạm đâu" chẳng qua cũng chỉ là "vừa đấm vừa xoa".
2. "Biết chuyện gì xảy ra với mình không?"
So sánh sự khác biệt là một trong những sai lầm trong giao tiếp. Chẳng hạn khi một đồng nghiệp than thở về vấn đề của họ, nhiều chị em lại bĩu môi và tỏ vẻ khinh khỉnh "Thế mà đã kêu rồi á, biết chuyện gì từng xảy ra với mình không?". Câu nói này khiến đối phương không còn muốn tin tưởng tâm sự với bạn nữa. Thậm chí họ còn nghĩ bạn thật kiêu ngạo vì luôn tâng bốc bản thân.
Mỗi khi đồng nghiệp kể chuyện tâm sự, chỉ cần bạn lắng nghe và đưa ra vài lời khuyên nhỏ là đủ. Tránh đào sâu quá vào vấn đề của họ cũng như chuyển hướng sang bản thân nhé.
3. "Chưa bao giờ tôi định làm thế này luôn!"
Đó là khi một đồng nghiệp để dành tiền cho kế hoạch riêng của họ. Sau đấy, người ta kể cho tất cả để xin ý kiến. Nhưng thay vì đưa ra đóng góp mang tính xây dựng, bạn lại chỉ trích "Chưa bao giờ tôi định làm thế này luôn!". Quả thực là rất vô duyên nha các nàng ơi!
Nó giống như thể bạn đang cố gắng cho rằng mỗi quyết định của bạn mới là đúng đắn, còn lựa chọn của người khác thì chỉ là sai lầm, vớ vẩn.
4. "Tôi biết điều gì tốt nhất cho bạn mà!"
Có một kiểu đồng nghiệp độc hại là luôn áp đặt tiêu chuẩn bản thân lên người khác. Họ thường cho rằng mình được sinh ra, lớn lên trong điều kiện chuẩn mực, vì vậy con đường của họ cũng sẽ mực thước nếu muốn sống ổn định. Bằng chứng là kiểu đồng nghiệp đó liên tục nói "Tôi biết điều gì tốt nhất cho bạn mà", hay "Bạn phải làm thế này mới đúng!"... Tuy nhiên, trước khi phát ngôn kém sang, hãy đặt mình vào vị trí của người khác nhé!
5. "Biết ngay! Bảo rồi mà không nghe!"
Điều này hoàn toàn là vô nghĩa, thừa thãi khi một sự việc gì đó xấu đã xảy ra với một đồng nghiệp khác. Đừng cố đóng vai cô nàng biết-tất-cả, bởi mỗi người sẽ có một thế mạnh riêng cũng như trải qua biến cố không giống nhau. Hôm nay bạn chê bai người ta thì coi chừng bởi ngày mai rất có thể bạn sẽ gặp khó khăn và rồi họ cười lại bạn đấy!
Hãy luyện tập cho mình thói quen bớt phán xét và đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác để giao tiếp tinh tế.