5 cấp độ cung ứng hàng hóa trong mùa dịch
- Y học 360
- 17:03 - 05/04/2020
Thông tin trên báo Người Lao động, Hà Nội đã kết nối với các tỉnh, thành khác để bảo đảm nguồn cung, mở thêm điểm bán hàng phục vụ người dân trong dịch Covid-19
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, từ ngày 4/4, các lực lượng chức năng ở Hà Nội xử phạt những người ra đường khi không thật cần thiết trong thời điểm dịch Covid-19 có xu hướng lan rộng. Do đó, các siêu thị, chợ… ngoài việc bảo đảm dự trữ hàng hoá thiết yếu còn tăng cường bán hàng trực tuyến.
Hà Nội đã xây dựng các kịch bản với 5 cấp độ bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân.
Cụ thể, cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn. Cấp độ 2 là khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Cấp độ 3 là có từ 20 đến 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Cấp độ 4 là khi có hơn 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh, 30 quận, huyện, thị xã đều có khu cách ly. Cấp độ 5 là khi có từ hơn 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao.
Ở cấp độ 5, người dân chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm, lượng hàng hóa cần cung ứng sẽ tăng đột biến.
Ở cấp độ 1, 2, 3, các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Đối với cấp độ 4 và 5, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối dồn tổng lực hàng hóa về địa bàn thủ đô; mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán trên các quận, huyện, thị xã; cần thiết lập thêm các kho dã chiến. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động cùng các doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất.
Báo này cũng dẫn lời ông Trần Duy Đông -Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết 63 tỉnh, thành đều đã lên kế hoạch tác chiến, kịch bản ứng phó dịch bệnh theo 5 cấp độ. Riêng Hà Nội đã chủ động thực hiện bởi diễn biến dịch bệnh tại thủ đô khá phức tạp. Hà Nội còn chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận để bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu của người dân tăng đột biến, cũng như trường hợp nhiều khu vực trong thành phố phải cách ly.
Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… cũng đã tăng lượng hàng hóa dự trữ gấp 3 lần đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng đẩy mạnh các hình thức bán hàng online.
Cùng với việc xây dựng các kịch bản với 5 cấp độ nhằm bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân, theo báo Tuổi trẻ, Bộ Công thương cũng hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm vừa bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu bố trí các điểm bán hàng. Cụ thể, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm vẫn được kinh doanh, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống.
Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…).
Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.