425.902 ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu trong 24 giờ qua
- Y học 360
- 14:11 - 04/11/2021
Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 4/11 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 248.703,.290 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.035.578 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 425.902 và 6.899 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 225.351.334 người, 18.319.920 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 73.947 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới, với 58.430 ca; tiếp theo là Anh (41.299) và Nga (40.443 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.189 người chết trong ngày, cũng là con số ca tử vong mới cao kỷ lục của nước này từ đầu dịch; tiếp theo là Mỹ (1.142 ca) và Ukraine (720 ca tử vong).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 47.076.575 người, trong đó có 770.441 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.319.152 ca nhiễm, bao gồm 459.658 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.835.785 ca bệnh và 608.235 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 79,66 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với gần 65,16 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 56,52 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,46 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,58 triệu ca và châu Đại Dương trên 315.000 ca nhiễm.
VTV cũng đưa tin, hai ngày sau khi Campuchia quyết định mở cửa hoàn toàn, số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm và ở mức thấp nhất trong 33 ngày qua. Trong thông cáo ngày 3/11, Bộ Y tế nước này ghi nhận 85 ca mắc mới (bao gồm 9 ca nhập cảnh và 76 ca lây nhiễm cộng đồng) và có thêm 7 người tử vong, trong đó có 5 người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tại Trung Quốc, thêm nhiều tỉnh đang tăng cường chống dịch sau khi ghi nhận đợt bùng phát mạnh nhất kể từ khi đại dịch xảy ra năm 2019. Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang hoành hành tại nhiều địa phương. Đến nay, số ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại 19 trong số 31 tỉnh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ riêng trong ngày 3/11, Trung Quốc thông báo có 93 ca mắc mới trong cộng đồng và 11 ca bệnh không triệu chứng. Ba tỉnh mới nhất ghi nhận các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là Trùng Khánh, Hà Nam và Giang Tô, thuộc khu vực duyên hải miền Đông Trung Quốc. Địa phương ghi nhận nhiều ca mới nhất là: Hắc Long Giang (35 ca). Tiếp đến là Hà Bắc (14 ca), Cam Túc (14 ca), Bắc Kinh (9 ca), khu tự trị Nội Mông (6 ca).
24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận hơn 2.600 ca nhiễm mới COVID-19, tăng khoảng 1000 ca so với ngày trước đó, 25% số ca nhiễm mới là ở thanh thiếu niên. Đáng chú ý, đây cũng là lứa tuổi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hàn Quốc mới chỉ triển khai tiêm cho lứa tuổi 12-17 tuổi từ 1/11 và tỷ lệ tiêm chủng ở độ tuổi này mới chỉ là 0,6%. Việc tăng cường xét nghiệm cùng với thúc đẩy tiêm chủng cho học sinh là bước đi quan trọng để Hàn Quốc mở cửa lại trường học, dự kiến vào 22/11 tới.
Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo nước này đang trải qua một đợt bùng phát đại dịch "quy mô lớn" tác động chủ yếu tới những người chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn các ca mắc mới tăng trở lại. Theo số liệu của Viện Robert Koch ngày 3/11, Đức ghi nhận 20.398 ca mắc mới và 194 ca tử vong. Hơn 66% dân số Đức đã được tiêm phòng đầy đủ, tuy nhiên Bộ trưởng Y tế tỏ ra quan ngại khi tỷ lệ người đi tiêm phòng trong thời gian qua đang giảm dần và một số lượng đáng kể người dân từ 18-59 tuổi vẫn chưa tiêm phòng.
Tại Anh, tình hình dịch COVID-19 sẽ tiếp tục phức tạp dịp cuối năm. Cảnh báo được Phó Giám đốc Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh NHS đưa ra hôm qua. Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận 293 ca tử vong do COVID-19, cao nhất từ tháng 3, trong khi số ca nhiễm mới trung bình những tuần gần đây vẫn ở mức 40 nghìn ca/ngày. Một số chuyên gia nhận định, thời gian tới, dịch sẽ tiếp tục phức tạp và chưa thể kết thúc sớm. Giới chức y tế Anh kêu gọi mọi người cần tiếp tục cẩn trọng, tích cực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng để chủ động ứng phó với các tình huống dịch mới.
Nga ghi nhận 40.443 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 8.663.643 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Nga cũng lên mức 242.060 ca, thêm 1.189 ca so với một ngày trước đó và đây cũng là số ca tử vong ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại Nga. Thủ đô Moskva ghi nhận 6.827 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại thành phố này lên 1.837.643 ca. Hơn 56,6 triệu người ở Nga đã được tiêm phòng ít nhất một mũi, hơn 48,2 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ.
Slovenia ghi nhận 3.456 ca mắc mới trong ngày 2/11, cao nhất từ trước đến nay, chiếm tới 44,7% số người được xét nghiệm trong ngày. Các chuyên gia y tế Slovenia khuyến nghị áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để kiểm soát đợt bùng phát mới. Hiện quốc gia với khoảng 2 triệu dân này ghi nhận tổng cộng 29.354 ca mắc bệnh. Khoảng 1,12 triệu người dân ở Slovenia đã được tiêm phòng đầy đủ (tương đương 53% dân số).
Bộ Y tế CH Séc cho biết số ca mắc mới tại nước này lên tới gần 10.000 ca - cao nhất từ tháng 3 đến nay. Số bệnh nhân phải nhập viện là hơn 2.000 người, cao nhất từ tháng 5. Giống như các nước khác tại Trung Âu, Séc đang chứng kiến làn sóng tái bùng phát dịch mạnh mẽ. Ba Lan cũng ghi nhận hơn 10.400 ca mắc mới, tăng 24% so với một tuần trước đó. Lần gần đây nhất số ca mắc mới trong ngày tại nước này trên 10.000 ca là vào cuối tháng 4.
Hy Lạp và Hà Lan siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh số ca mắc mới tại các nước này có xu hướng tăng sau thời gian thực hiện nới lỏng các biện pháp. Tại Hy Lạp, các quy định mới được ban hành chủ yếu nhắm vào các đối tượng chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte đã quyết định tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, thực hiện giãn cách xã hội và yêu cầu trình chứng nhận COVID-19 tại các viện bảo tàng hay nhà hàng. Người dân nước này cũng được khuyến nghị làm việc tại nhà ít nhất nửa thời gian trong tuần và tránh đi lại vào giờ cao điểm.
Tại châu Mỹ, Canada và Cuba tiếp tục nới lỏng hạn chế với du khách quốc tế. Bộ trưởng Giao thông vận tải Canada Omar Alghabra cho biết có thêm 8 sân bay sẽ bắt đầu đón khách quốc tế từ ngày 30/11, nâng tổng số sân bay của Canada mở cửa cho du khách toàn cầu lên 18 sân bay. Bộ trưởng Alghabra khẳng định quyết định trên sẽ đảm bảo du khách có thể tiếp cận nhiều sân bay trong khu vực hơn để đi du lịch quốc tế trong mùa Đông này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Cuba Eduardo Rodriguez cho biết số chuyến bay quốc tế tới Cuba có thể tăng từ 63 chuyến/tuần hiện nay lên 400 chuyến/tuần vào giữa tháng 11 khi đảo quốc Caribe này nới lỏng các hạn chế do đại dịch. Theo đó, số chuyến bay từ Mỹ đến sân bay quốc tế Jose Marti của La Habana dự kiến tăng từ 4 lên gần 80 chuyến trong vài tuần tới. Bắt đầu từ ngày 7/11, du khách quốc tế tới Cuba sẽ không còn bị yêu cầu cách ly tại khách sạn được chỉ định và từ 15/11, hành khách có thể sử dụng "hộ chiếu vaccine" hoặc các văn bản chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh.