40 công nhân thuỷ điện Rào Trăng 3 đã di chuyển về đến Rào Trăng 4 an toàn, lương thực chỉ còn đủ 1 ngày
- Tây Y
- 02:31 - 14/10/2020
Cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở máy thông tin liên lạc vô tuyến điện 100% trong quá trình triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ. Chiều 12/10, sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố sạt lở nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, đơn vị và Đài thông tin duyên hải Huế đã cố gắng kết nối liên tục với Nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 4 bằng hệ thống vô tuyến điện nhưng không liên lạc được.
Đến khoảng 14h20 ngày 13/10, Đài thông tin duyên hải Huế đã kết nối được với nhà máy Rào Trăng 4 bằng hệ thống vô tuyến điện, qua tần số 8.149KHz.
Qua kết nối, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, hiện công nhân Nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 4 đều an toàn, nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn đủ dùng 1 ngày. 40 công nhân từ Nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã di chuyển bằng đường rừng về Rào Trăng 4 an toàn.
Cũng theo thông tin được cung cấp, đường vào khu vực cả 2 công trình thuỷ điện nói trên đều bị sạt lở nghiêm trọng; muốn tiếp cận phải đi bằng đường thuỷ nhưng nước chảy xiết.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã quyết định thành lập Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại các nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng và đường 71 tỉnh Thừa Thiên - Huế do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 làm trưởng ban.
Mặt khác, theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 13/10, đơn vị đã cử lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ về sự cố sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động hơn 70 cán bộ chiến sĩ, cùng nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dụng phối hợp cùng các lực lượng khác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân mất tích và kiểm soát tuyến đường 71 dẫn vào hiện trường để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng bố trí 2 tổ công tác, 2 cano cùng nhu yếu phẩm thiết yếu đi theo hồ thủy điện Hương Điền để khảo sát, tiếp cận các điểm sạt lở khác để tìm kiếm, cứu nạn.
Đến chiều 13/10, đoàn đã tiếp cận được Rào Trăng 4, cung cấp nhu yếu phẩm cho các chuyên gia, công nhân tại đây; đồng thời, lực lượng Công an đã kịp thời cứu và đưa 5 người bị thương nặng về cơ sở y tế.
Trước đó, trưa ngày 12/10, nhận được tin về sự cố sạt lở đất tại Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Đoàn công tác Quân khu 4 gồm 21 người đi kiểm tra, khảo sát thủy điện Rào Trăng 3 để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ kịp thời.
Khoảng 14h ngày 12/10, Đoàn xuất phát từ cơ quan Huyện ủy, thị trấn Phong Điền bằng phương tiện ô tô đi thủy điện Rào Trăng. Khi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, Đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng khoảng 13km.
Đến khoảng 21h cùng ngày, do mưa lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, Đoàn đã phải dừng chân, nghỉ tại nhà kiểm lâm tại Tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng hơn 23h cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống tòa nhà Đoàn đang nghỉ, có 8 người thoát khỏi.
Theo thông tin nhận được tại hiện trường, tại thời điểm xảy ra vụ việc, địa điểm bị sạt lở rất nghiêm trọng, việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có 13 người trong đoàn công tác đang bị mất tích, không liên lạc được.
Ghi nhận của phóng viên tại trung tâm xã Phong Xuân trong sáng 13/10, nhiều loại xe đặc chủng, chuyên dụng, cùng các lực lượng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quân khu 4, ngành y tế, thông tin truyền thông… được điều động đến để sẵn sàng ứng cứu những người bên trong khu vực nguy hiểm. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã điều động máy xúc, máy đào để khơi thông đường vào nhà máy Rào Trăng 3.
Trong chiều 13/4, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân bị mắc kẹt tại thuỷ điện Rào Trăng 4.
Theo Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, hiện các lực lượng còn cách điểm cứu hộ khoảng 2,5km và còn 3 điểm sạt lở. Từ điểm cứu hộ này vào đến Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 10km.
Đã có 2 trực thăng của Sư đoàn 372 sẵn sàng tiếp cận đường không, vận chuyển lương thực, thực phẩm, cứu nạn cứu hộ. Ngoài ra, tổ chức 2 đội thông tin cơ động vào hiện trường; tổ chức lực lượng công binh, giao thông vận tải, lực lượng chuyên môn của tỉnh, quân khu, quân đội; đảm bảo quân y, hậu cần…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ cần tìm các phương án để tiếp cận hiện trường, có thể từ đường Hồ Chí Minh; huy động thêm các phương tiện, máy móc để giải phóng nhanh đường đi. Tập trung các phương án gồm 4 tại chỗ đã đề ra. Các lực lượng tỉnh, quân đội, công an… được huy động tập trung để tiếp cận nhanh nhất hiện trường.
Lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương chuyển lều bạt lên một vị trí gần đỉnh Rạng Đông để đưa nạn nhân ra ngoài do ô tô không vào đến nơi.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết thêm, hiện Nhà máy thuỷ điện A Lin B2 (A Lưới) bị cô lập chưa có thông tin; cán bộ nhà máy thuỷ điện A Lin B1 bị kẹt nhưng đã ra đến khu vực huyện A Lưới qua đường Hồ Chí Minh xác nhận toàn bộ công nhân nhà máy thuỷ điện A Lin B1 an toàn.
Đoàn xe chở Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đi kiểm tra thực tế đường vào thuỷ điện Rào Trăng 3