CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

4 việc người dân phải làm để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hộ gia đình, cá nhân nếu muốn tự mình làm Sổ đỏ hãy xem và thực hiện theo hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu như sau:

 Thứ nhất: Kiểm tra điều kiện được cấp Sổ đỏ

Người dân đang sử dụng đất nếu muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) thì việc đầu tiên phải thực hiện là kiểm tra, đối chiếu xem thửa đất của mình có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận hay không?

Pháp luật đất đai quy định điều kiện được cấp Giấy chứng nhận gồm trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không có giấy tờ.

4 việc người dân phải làm để được cấp Sổ đỏ - Ảnh 1.

Pháp luật đất đai quy định điều kiện được cấp Giấy chứng nhận gồm trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không có giấy tờ.

Trường hợp 1: Hộ gia đình, cá nhân chỉ cần kiểm tra xem thửa đất mà mình đang sử dụng có một trong những loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 17 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP hay không? Nếu có thì chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp 2: Không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Hiện nay số lượng hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận vì không có giấy tờ về quyền sử dụng đất là rất nhiều (ví dụ như đất do cha ông để lại, đất do khai hoang…). Điều 101 Luật Đất đai 2013 và Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định đất không có giấy tờ vẫn được cấp Giấy chứng nhận nếu đáp ứng đủ điều kiện theo từng trường hợp.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:

Có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nay được UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận.

 Thứ hai: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Sổ đỏ

Khi có căn cứ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì hộ gia đình, cá nhân phải chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận gồm có:

Đơn đề nghị theo Mẫu số 04a/ĐK (bắt buộc phải theo mẫu này).

4 việc người dân phải làm để được cấp Sổ đỏ - Ảnh 3.

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng

Nếu đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cho quyền sử dụng đất: Phải có một trong những loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Nếu đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Phải có một trong những giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).

Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Thứ ba: Nộp hồ sơ cấp Sổ đỏ đúng nơi quy định

Căn cứ Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được quy định như sau:

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã

Nếu địa phương đã thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp huyện.

Nếu chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai.

Thứ tư: Nộp các khoản tiền theo quy định

Khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất (nếu có)… ngoài ra còn phải nộp lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận. Mức nộp, hạn nộp được ghi rõ trong thông báo, người dân chỉ cần thực hiện theo thông báo này.

Không phải trường hợp nào hộ gia đình, cá nhân cũng phải nộp tiền sử dụng đất.

Lệ phí cấp Giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quy định nên lệ phí giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không giống nhau (lệ phí cấp mới từ 10.000 - 100.000 đồng tùy các địa phương).

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh