THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:11

4 thói quen nấu ăn của nhiều gia đình khiến thực phẩm bị mất chất dinh dưỡng

Đi cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, "văn hóa" nấu ăn ngày càng trở nên đa dạng, phong phú hơn. Chúng ta không chỉ biết cách sơ chế thực phẩm này sao cho sạch sẽ, khử mùi hôi thực phẩm kia để có một món ăn hấp dẫn mà còn biết đến vô vàn cách chế biến thực phẩm từ chiên, xào, hấp, luộc...

Tuy nhiên, trong đời sống, chúng ta vẫn đang thực hiện một số thói quen nấu ăn khiến cho thực phẩm bị mất mát rất nhiều chất dinh dưỡng, thậm chí còn khiến nó sinh ra các chất độc hại cho cơ thể, đặc biệt là chất gây ung thư. Dưới đây là 4 thói quen như thế, nếu gia đình bạn cũng đang làm chúng hàng ngày, hãy thay đổi ngay.

1. Làm sạch nhiều lần

Rau, trái cây và thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao nếu được làm sạch quá nhiều lần sẽ làm mất vitamin C, vitamin B, đường và khoáng chất sau khi tiếp xúc với nước. Cụ thể ra là việc bạn vo gạo quá nhiều lần tới khi nước vo không còn màu trắng đục thì thôi hay rửa rau quả nhiều đến nỗi chúng bị bầm dập...

4 thói quen nấu ăn của nhiều gia đình khiến thực phẩm bị mất chất dinh dưỡng, thậm chí có thể gây ung thư - Ảnh 1.

Do đó, đừng nên rửa rau, trái cây và thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao quá nhiều lần hoặc ngâm chúng trong nước trong thời gian dài. Bạn nên rửa sạch bằng nước lạnh, và không nên thái quá nhỏ trước khi rửa để không làm mất chất dinh dưỡng.

2. Làm nóng quá lâu

Nếu thực phẩm được làm nóng quá lâu, rất dễ tạo ra một loạt các thay đổi xấu, chẳng hạn như các thành phần axit amin và carbohydrate sẽ bị phá hủy, hàm lượng purine và nitrite sẽ tăng lên, chất béo bị oxy hóa quá mức sau khi đun nóng trong thời gian dài.

4 thói quen nấu ăn của nhiều gia đình khiến thực phẩm bị mất chất dinh dưỡng, thậm chí có thể gây ung thư - Ảnh 2.

Điều này sẽ dễ dàng tạo ra các axit béo chuyển hóa có hại. Các chất, protein dễ bị đốt cháy và biến tính do quá nóng, không chỉ có vị đắng, mà còn mất tác dụng tích cực cho sức khỏe, chẳng hạn như thành phần chống ung thư có lợi isothiocyanate trong bông cải xanh và các loại rau họ cải khác sẽ bị mất khi đun nóng trong thời gian dài. Đó cũng là lý do vì sao những người lớn tuổi thường khuyên chúng ta chỉ nấu rau vừa đủ chín là vớt ra ngay..

3. Nhiệt độ quá cao

Điểm bốc khói của dầu ăn thông thường không vượt quá 180 độ C. Nếu chảo bốc khói, nhiệt độ trong chảo quá cao, tinh bột dễ sản xuất acrylamide - được phân loại là chất gây ung thư loại 2A; protein, peptide và axit amin dễ tạo ra các hợp chất amin dị vòng khi gặp nhiệt độ cao - cũng là chất gây ung thư mạnh; chất béo dễ bị tạo ra các chất gây ung thư mạnh như benzopyrene.

4 thói quen nấu ăn của nhiều gia đình khiến thực phẩm bị mất chất dinh dưỡng, thậm chí có thể gây ung thư - Ảnh 3.

Nếu tiêu thụ thực phẩm được nấu nướng ở nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể gây tích lũy chất độc trong cơ thể, làm giảm dần chức năng miễn dịch. Tỷ lệ mắc khối u ở các bộ phận khác nhau của cơ thể là rất cao. Do đó, các phương pháp nấu ăn như hun khói, chiên rán và nướng ở nhiệt độ cao, bạn nên hạn chế sử dụng.

4. Gọt vỏ, gây bong tróc quá mức

Rau và trái cây có một phần lớn các chất dinh dưỡng trong lớp biểu bì (vỏ), chẳng hạn như chất xơ, vitamin, diệp lục, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Lột bỏ quá nhiều vỏ của các loại thực phẩm này có thể dễ dàng làm mất chất dinh dưỡng. Do đó, càng gọt vỏ, gây bong tróc lớp bên ngoài của rau quả thì các chất dinh dưỡng càng nhanh chóng bị phân hủy không chỉ trong quá trình sơ chế mà cả trong quá trình nấu nướng nữa.

Vì vậy, bạn không nên gọt vỏ thực phẩm (nếu không cần thiết) hoặc gọt vỏ ít nhất có thể. Nếu bạn lo lắng về dư lượng thuốc trừ sâu, bạn có thể ngâm trong nước muối loãng trong 10 phút và sau đó chà nhẹ.

Nguồn tham khảo: Sohu, The Health, Love Kitchen, Eat This

Chang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh