4 chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 2/2021
- Tây Y
- 15:37 - 22/02/2021
1. Sửa mức thu phí thẩm định cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 01/2021/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/2/2021).
Theo đó, quy định sửa đổi mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke như sau:
Tại các thành phố trực thuộc trung ương; các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh: Từ 1 - 3 phòng là 4.000.000 đồng/giấy; Từ 4 - 5 phòng là 6.000.000 đồng/giấy; Từ 6 phòng trở lên là 12.000.000 đồng/giấy. (Hiện hành Điều 4 Thông tư 212/2016/TT-BTC quy định mức phí thẩm định từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng tùy theo số phòng).
Tại các khu vực khác: Từ 1 - 3 phòng là 2.000.000 đồng/giấy; Từ 4 - 5 phòng là 3.000.000 đồng/giấy; Từ 6 phòng trở lên là 6.000.000 đồng/giấy. (Hiện hành Thông tư 212 quy định mức phí thẩm định từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng tùy theo số phòng).
2. Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Theo Thông tư 02/2021/TT-BTC ngày 8/1/2021 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ ngày 22/2/2021 như sau:
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; tổ chức thu phí kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Mức thu phí: Mức thu phí thực hiện theo quy định tại Biểu phí kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy ban hành kèm theo Thông tư này. Các chi phí nhiên liệu, công tác phí cần thiết phát sinh khi kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chi phí in và dán tem kiểm định do tổ chức, cá nhân yêu cầu kiểm định chi trả theo thực tế phát sinh, phù hợp quy định pháp luật.
3. Hướng dẫn xếp lương viên chức ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng
Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng.
Theo đó, các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng quy định tại Thông tư 18 được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:
Chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính, quản lý bảo vệ rừng viên chính: áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2 (hệ số lương từ 4,00 đến 6,38).
Chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên, quản lý bảo vệ rừng viên: áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 (hệ số lương từ 2,34 đến 4,98).
Chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng: áp dụng hệ số lương viên chức loại B (hệ số lương từ 1,86 đến 4,06).
Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 26/2/2021.
4. Bảy biểu mẫu hành chính sử dụng trong đăng ký nhận con nuôi trong nước
Bộ Tư pháp có Thông tư 10/2020/TT-BTP ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi (có hiệu lực từ ngày 26/2/2021).
Theo đó, ban hành 7 biểu mẫu sử dùng cho việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước, cụ thể gồm:
Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước (bản chính - có nội dung).
Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước ((bản chính - phôi, không có nội dung).
Trích lục nuôi con nuôi trong nước (Bản sao).
Đơn xin nhận con nuôi trong nước.
Đơn đăng ký nhu cầu nhận trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi trong nước.
Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.
Báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong nước.