THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:14

35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trao sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trao sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.

Chiều 6/9/2022, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết số 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. 

Thay mặt Đảng, Nhà nước đến dự lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và một số địa phương liên quan.

Về phía khách quốc tế có sự tham dự của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, hơn 30 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, sự kiện đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (tham gia trực tuyến); các nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong và ngoài nước và toàn bộ 94 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Lan toả di sản, tư tưởng của Người trên toàn thế giới 

Chuỗi sự kiện kỷ niệm đã góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Đồng thời, đây cũng là một hoạt động thiết thực góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc đã nêu bật ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vì những đóng góp to lớn của Người không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại.

Ông cũng nhấn mạnh trong nhiều năm qua Bộ Ngoại giao đã triển khai các hoạt động vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài qua đó lan toả di sản, tư tưởng của Người trên toàn thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh văn hoá, đất nước, con người Việt Nam.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh đối với nhân nhân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là "anh hùng giải phóng dân tộc", đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do và đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Người còn là "nhà văn hóa kiệt xuất", đã đề cao và chính Người là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết.

1

Trước khi kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng Thường trực đã trích câu thơ của nhà thơ Tố Hữu được viết vào đúng ngày này (mùng 6 tháng 9) cách đây 53 năm: "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn". "Yêu Bác" chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác một cách thực chất, thường xuyên, sáng tạo và khoa học.

Cũng tại buổi lễ, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay bày tỏ niềm vinh hạnh được có mặt tại Việt Nam đúng dịp kỉ niệm 35 năm UNESCO thông qua nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Audrey Azoulay cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam độc lập mà ảnh hưởng của Người còn vươn xa ra ngoài biên giới đất nước. Bởi trong suốt cuộc đời mình, Người đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ và liên tục với nhiều nền văn hoá khác nhau.

“Cách tốt nhất để tưởng nhớ di sản nhân văn của Hồ Chí Minh là tiếp tục hợp tác để bảo vệ giáo dục, văn hóa và di sản như là giá trị chung của nhân loại”, Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định. 

Tư tưởng và tầm nhìn của Người trường tồn theo thời gian

Tại hội thảo quốc tế: “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại” được Bộ Ngoại giao tổ chức nhân dịp kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng di sản Hồ Chí Minh không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn thuộc về nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái; biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, là sứ giả của hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc”, ông Lê Hải Bình nói.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Theo Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: “Bộ Ngoại giao và những người làm công tác đối ngoại luôn tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng đầu tiên của Ngành, Người đã khai sinh ra nền ngoại giao cách mạng và tạo dựng tiền đề cho nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại ngày nay”.

Tại hội thảo, Thượng tướng Pascualino Angiolillo, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Thực nghiệm Quân đội Venezuela (UNEFA) khẳng định: “Tư tưởng và tầm nhìn của Người trường tồn theo thời gian, soi sáng con đường giải phóng đất nước cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. 

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản cuốn sách song ngữ Anh-Việt “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cuốn sách được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết lời tựa, trong đó đánh giá: “Người để lại một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, mãi mãi nguyên vẹn những giá trị to lớn mang tính thời đại, một tấm gương đạo đức, phong cách, lối sống sáng ngời”.

Trong lời giới thiệu, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh những di sản của Người “được chia sẻ, lan tỏa rộng rãi, đã góp phần tăng cường sự kết nối, hiểu biết, đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới hiện nay”.

Tại lễ ra mắt sách, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trân trọng trao tặng cuốn sách đầy ý nghĩa này cho Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.

Bên cạnh các hoạt động nêu trên, Bộ Ngoại giao tổ chức triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp” giới thiệu hơn 100 tư liệu quốc gia về tầm vóc vĩ đại, tư tưởng và cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh vì hoà bình, phát triển, tiến bộ của Việt Nam và thế giới.

Ngoài ra, các đại biểu đã tham quan đường Xoài, vườn cây, ao cá, nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh