CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:55

35 năm chuyến bay vũ trụ Việt-Xô: Phạm Tuân và những điều bây giờ mới kể

 

Kỳ 1: luyện tập và khởi hành

Từ trước đến nay, chúng ta biết rất ít về những ngày Anh hùng Phạm Tuân có mặt trên trạm vũ trụ “Chào mừng-6”, cảm giác khi đó ra sao, đã tiến hành những công việc cụ thể gì 35 năm về trước. Trong các cuộc phỏng vấn, trung tướng Phạm Tuân, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và của châu Á rất khiêm tốn, kiệm lời khi nói về những điều này. V.V.Gorbatko khi trả lời báo chí Liên Xô và Nga sau này cũng vậy. Là những quân nhân, họ tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước Tổ quốc, và có lẽ, những gì họ đã tiến hành trong hơn 1 tuần trên vũ trụ, chỉ có những người chỉ huy và các nhà khoa học của 2 nước là biết đầy đủ nhất.

Trong quá trình tìm hiểu, thật may mắn, người viết đã có trong tay các cuốn sách “Hợp tác vũ trụ” của ba tác giả V.A.Alekseev, A.A.Eremenko, V.A.Tkachev do NXB “Mashinostroenye” xuất bản tại Moskva năm 1987, cuốn hồi ký “Sát cánh cùng các nhà du hành vũ trụ” in năm 2011 tại Moskva của trung tá Vasili Sergeevich Lesnikov, người chỉ huy Trung tâm đã huấn luyện Phạm Tuân và cuốn hồi ký “Một năm ngoài Trái đất” của V.Ryumin, nhà du hành vũ trụ đã cùng làm việc với Phạm Tuân trong suốt 1 tuần trên Trạm “Chào mừng-6”.

 

Những ngày tháng luyện tập.


 Trước những chuyến bay lịch sử

Trung tá Vasili Sergeevich Lesnikov từng hơn 20 năm công tác, phụ trách Trung tâm huấn luyện mô phỏng trạm vũ trụ và mô-đun tại Trung tâm đào tạo các nhà du hành vũ trụ mang tên Gagarin.  Trong cuốn thứ 3 của bộ hồi ký “Sát cánh cùng các nhà du hành vũ trụ”, dựa vào các ghi chép, nhật ký,  ông đã kể lại những ngày tháng tuyển chọn và huấn luyện các phi công vũ trụ Việt Nam.

“Ngày 27/6/1980: Trung tâm tiếp nhận để đào tạo một đội bay mới. Trước đó, các đội bay Xô-Việt V.V.Gorbatko-Phạm Tuân, V.F.Bykovsky-Bùi Thanh Liêm đã hoàn thành xuất sắc các bài tập huấn luyện tổng hợp.

Các nhà du hành người Việt Nam được các giáo viên lý thuyết và thực hành đánh giá rất cao. Họ điềm tĩnh, cực kỳ chăm chỉ và luôn khát khao tiếp thu kiến thức. Nhưng điều mà các giáo viên quý trọng họ nhất, đó là tình thân ái giữa 2 ứng cử viên cho chuyến bay. Điều cốt yếu nhất với họ-đó là luôn giúp đỡ bạn khi cần thiết.

Hai năm trước, các chuyên gia và bác sĩ Liên Xô đã chọn họ từ 4 ứng cử viên là Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Bùi Thanh Liêm, Đinh Trọng Kháng”.

V.S.Lesnikov cho biết ngoài các bài tập thể lực ngặt nghèo, 2 ứng cử viên cho chuyến bay Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm còn được huấn luyện điều khiển thành thạo tất cả các hệ thống trong tàu vũ trụ cũng như trên trạm “Chào mừng”. Trong tàu vũ trụ “Liên hợp” có tất cả 8 hệ thống, như hệ thống điều hướng và điều khiển, hệ thống kết nối, hệ thống năng lượng, hệ thống liên lạc (đài và vô tuyến)…Tàu có thể bay tự động trong 3 tuần và có nhiệm vụ chính là đưa đội bay và vận chuyển hàng lên trạm vũ trụ.

Ngoài ra, trong các trạm mô phỏng, Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm còn được huấn luyện làm quen với lịch trình làm việc dày đặc trong ngày trên trạm vũ trụ. Theo đó, lịch làm việc mỗi ngày được bố trí chính xác đến từng phút với 6 “ca”, mỗi “ca” 1,5 tiếng, tổng cộng là 9 tiếng. Cộng với 8 tiếng ngủ thành 17 tiếng. Cộng thêm 2 tiếng rèn thể lực, 1 tiếng vệ sinh cá nhân và ăn sáng, 1 tiếng ăn tối và chuẩn bị đi ngủ. Còn lại là 3 tiếng thời gian dự phòng (để hoàn thành nốt những công việc trong 6 “ca” làm việc). Sau đây là chi tiết của 6 “ca” làm việc:

Ca 1: Kiểm tra tổng thể các hệ thống, hoàn tất các mẫu báo cáo gửi về Trái đất. Nhận nhiệm vụ trong ngày.

Ca 2: 10 phút điền mẫu báo cáo về tình hình tổ bay và chuẩn bị làm việc.10 phút liên lạc và báo cáo.40 phút bảo dưỡng toàn bộ hệ thống.15 phút làm thí nghiệm và 15 phút chuẩn bị cho thí nghiệm tiếp theo.

Ca 3: 40 phút-tiến hành thí nghiệm. 35 phút chuẩn bị cho thí nghiệm tiếp theo. 15 phút thí nghiệm và trao đổi với các chuyên gia.

Ca 4: 10 phút thí nghiệm. 10 phút liên lạc. 20 phút thử nghiệm. 10 phút vệ sinh cá nhân bằng khăn ẩm. 30 phút ăn trưa. 10 phút chuẩn bị thí nghiệm.

Ca 5: 35 phút-thí nghiệm.45 phút-thay băng ghi hình, phim chụp, chuẩn bị máy móc cho ngày hôm sau. 10 phút-hoàn tất các báo cáo.

Ca 6: Hoàn tất các báo cáo về công việc trong ngày và gửi điện báo về Trái đất trong phiên liên lạc.

Đó là lịch trình các phi công vũ trụ bắt buộc phải tiến hành hàng ngày, hàng tháng, thậm chí hàng năm trên các trạm vũ trụ của Liên Xô.

Trong một cuộc trao đổi với người viết, Anh hùng Phạm Tuân cho biết chỉ 1 ngày trước khi xuất phát, danh sách đội bay chính thức mới được công bố-đó là V.V.Gorbatko- Phạm Tuân. V.F.Bykovsky- Bùi Thanh Liêm là đội bay dự bị. Ngày xuất phát được ấn định là 23/7/1980.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến động viên các nhà du hành vũ trụ tại Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ.


Những giờ phút đầu tiên trong vũ trụ

Trong chuyến bay này, biệt danh của đội bay Xô-Việt là “Tereki”. V.Gorbatko là  “Terek-1”. Phạm Tuân là “Terek-2”. Terek là tên một dòng sông hùng vĩ dài 623 km ở vùng Bắc Kavkaz.

Trích cuốn sách “Hợp tác vũ trụ”:

Ngày 23/7: Tại vị trí xuất phát tung bay 2 lá cờ Liên Xô và Việt Nam. Tiễn đội bay có đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và các nhà khoa học, chuyên gia của hai nước.

Ba tiếng trước giờ khởi hành, đội bay Xô-Việt đã vào vị trí tập kết. Chỉ huy chuyến bay Gorbatko báo cáo với Chủ tịch ủy ban quốc gia đã sẵn sàng, nói lời tạm biệt và hứa sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ để trở về Trái đất thân yêu an toàn. Sau đó, Gorbatko và Phạm Tuân bước vào cabin thang máy màu vàng, di chuyển lên đỉnh của tên lửa, vào con tàu vũ trụ.

Trong suốt gần 2 tiếng, đội bay cùng các chuyên gia kiểm tra lần cuối hệ thống của tên lửa đẩy và tàu vũ trụ.

21h33’ theo giờ Moskva. Tên lửa đưa tàu vũ trụ “Liên hợp-37” khởi hành.

Không lâu sau đó, Mặt đất nhận được báo cáo:”Tàu vũ trụ “Liên hợp-37” đã vào quỹ đạo vệ tinh nhân tạo của Trái đất”.

(Trong cuốn “Huyền thoại về những người mới đến”, nhà văn Vladimir Gubarev cho biết: “Khi xuất phát, nhịp tim của Phạm Tuân là 78 lần/s. Anh hoàn toàn bình thản, tin tưởng vào chỉ huy, vào bản thân mình, vào nền khoa học Xô viết, với trang bị kiến thức đầy đủ về chuyến bay. Phạm Tuân đã bay vào vũ trụ với một tâm thế như vậy”).

Ngày 24/7: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Hai nhà du hành vũ trụ bắt tay ngay vào công việc đến tận 6h sáng và được nghỉ ngơi 10 tiếng tiếp theo.

Theo kế hoạch, việc kết nối với Trạm không gian “Chào mừng 6” sẽ diễn ra vào ban đêm. Trong một phiên liên lạc, Chỉ huy Trung tâm A.Eliseev nhắc lại với “Tereki” cần phải quan sát kỹ vị trí đèn hiệu của Trạm. Các nhà du hành trên Trạm “Chào mừng-6” sẽ định vị được tàu kết nối nhờ hệ thống đèn pha cực mạnh của Liên hợp 37. Gorbatko và Phạm Tuân phải bật hệ thống này khi tàu cách Trạm khoảng 2 km.

Theo đúng kế hoạch, vào lúc 23h2’ (giờ Moskva) tàu “Liên hợp-37” và trạm vũ trụ “Chào mừng- 6” đã kết nối thành công. Hơn 3 tiếng sau (lúc 2h15’ ngày 25/7), nắp liên kết mở ra, người đầu tiên “bơi” vào trạm là Phạm Tuân, tiếp theo là Gorbatko. Hình ảnh Phạm Tuân bơi “chân trần” đã được ghi hình và gửi về Trái đất và sau đó được phát trên truyền hình. Hai “vị khách” được tiếp đón bằng bánh mì và muối, theo phong tục Nga.

Theo nhật ký chuyến bay, tại “ngôi nhà mới” này trên vũ trụ, trong khi “ăn tối”, các nhà du hành đã cùng nhau xem phóng sự từ Trái đất gửi lên, về kỳ Olympic Moskva đang diễn ra thời gian đó.

(Nhà du hành vũ trụ V.Ryumin trong Hồi ký “Một năm ngoài Trái đất” cho biết khi mới vào trạm, sức khỏe của Phạm Tuân rất tốt, Gorbatko có vẻ hơi mệt mỏi. Nhà văn V.Gubarev viết theo lời kể của Gorbatko về những thời khắc đầu tiên:

“Sau khi gặp nhau và trao đổi công việc với các “chủ nhà”, Gorbatko và Tuân “bơi” đến cạnh ô cửa kính. Họ muốn ngắm nhìn Trái đất. Trái đất hiện lên rõ ràng, từ các ô cửa. Phạm Tuân vốn là người biết giấu những xúc cảm của mình, vậy mà vẫn thốt lên: “Đẹp quá…Tôi hạnh phúc vô cùng, thưa đồng chí chỉ huy...”. Tuân đã nhìn thấy Việt Nam ruột thịt của mình. Trái đất đang bao phủ bởi bóng đêm, nhưng những vầng sáng, như được thắp lên dành riêng cho họ, giúp cả hai nhận biết được quê hương của Tuân. Anh nhìn xuống đó hồi lâu. Viktor Gorbatko hiểu rằng, biết bao cảm xúc đang dâng tràn lên trong tâm hồn của “Tuân thép”. Ông đã quen với Tuân từ dạo ở thành phố Ngôi Sao. “Tôi ngưỡng mộ những con người như vậy. Họ như là được đúc bằng kim loại vậy”).

Đón đọc Kỳ 2: Những ngày trong vũ trụ và tình bạn xuyên thế kỷ

theo tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh