3 tháng cải tạo căn nhà ba gian rêu phong trên đỉnh núi thành nơi "trốn phố" khi cần của cả gia đình trẻ ở Hà Nội
- Bác sĩ
- 06:56 - 20/04/2020
Đó là căn nhà ba gian cùng khuôn viên với căn nhà sàn nằm trên đỉnh núi cổ ở Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội, cách cách Hà Đông 10 km và cách trung tâm Hà Nội tầm 20 km của chị Đặng Thanh Nhàn. Và đây là một nơi để trốn đã rất quen thuộc với những gia đình nhỏ yêu cuộc sống ở quê.
Theo chị Nhàn chia sẻ, căn nhà 3 gian này nằm trong khuôn viên với căn nhà sàn trên núi của gia đình.
Tổng thể diện tích của 2 căn nhà cùng khuôn viên trên núi khoảng 3000m2:
"Nhà ba gian tuy nhỏ hơn nhà sàn nhưng lại được dựng ở thớt đất cao hơn. Bởi nhà được xây dựng sau ở phần đất gia đình mua thêm sau khi dựng nhà sàn vào năm 2007.
Ngày ấy, do bận công việc, con cái học hành nên việc ở cố định là không thể tiếp tục, việc cuối tuần về cũng không thể duy trì nên từ 2011 tới 2017 nhà để không, chỉ duy trì một chú quản gia người địa phương trông nom".
Mấy năm gần đây con cái lớn hết rồi, nhà ở phố đôi khi gặp vấn đề về mất nước (đường ống Sông Đà), ô nhiễm nguồn nước, không khí và nhu cầu của gia đình về việc sử dụng thực phẩm sạch. Nhà chị cũng vốn luôn thích có căn nhà ở quê đúng nghĩa nên trùng tu lại tổng thể cả khu nhà trong núi 3000m2.
Căn bếp trước và sau khi chị cải tạo.
Cách đây 3 năm, chị Nhàn mới quyết định trùng tu lại: "Do nhà ở phố lúc ấy của gia đình đôi khi gặp vấn đề về mất nước (đường ống Sông Đà), ô nhiễm không khí và nhu cầu của gia đình về việc sử dụng thực phẩm sạch. Nhà mình cũng vốn luôn thích có căn nhà ở quê đúng nghĩa, trong lành, thiên nhiên thoáng đãng, ăn uống đồ nhà trồng, nuôi tươi sạch. Mình cũng nhận thấy nhiều bạn bè mình cũng có lối sống như vậy. Thế nên mình nhà bố trí sắp xếp lại các công năng để phù hợp với gia đình sử dụng những ngày cuối tuần hay đón tiếp bạn bè".
Do nhà 3 gian nằm ở khu đất trên đỉnh núi thôn Sơn Đồng, trong xóm núi đường thôn loanh quanh chỉ xe nhỏ đi được. Vì thế, nơi đây vẫn còn rất nguyên sơ. Bởi vậy khi cải tạo lại ngôi nhà, chị Nhàn vẫn sử dụng vật liệu chính là gỗ: "Nhà ba gian mình vẫn cố giữ nguyên mái ngói, tường gạch, các phần làm thêm đều là beton mài cho hợp concept. Nói chung mình vẫn giữ nguyên cấu trúc chính của căn nhà, chỉ bố trí lại công năng, tối ưu công năng cũ phù hợp hơn".
Ví dụ như, chị Nhàn mở thêm và mở rộng hệ thống cửa sổ thật rộng cho khu đọc sách, khu bếp. Chị cũng sửa lại mái nhà do lâu năm xô lệch ngói dột, đào thêm bể cá Koi trước nhà. Rồi quy hoạch bếp, vườn rau, ao cá,…
"Đặc biệt, nhà có thêm một số khu công năng như tắm ngoài trời, khu nướng BBQ ngoài trời. Tất cả đều dưới tán hoa giấy hay cây quất hồng bì lớn, dàn susu… Gia đình và bạn bè đến đều thích lắm vì đúng kiểu tuổi thơ ngày xưa", chị Nhàn tâm sự.
Riêng với những đồ nội thất trong nhà, một phần chủ nhà vẫn tận dụng đồ từ những năm cũ để lại, một phần chọn mẫu rồi để thợ tự chế, tìm mua nhưng tất cả tối ưu và đơn giản, ít nhất có thể để nhà thoáng.
"Như mấy bộ bàn ghế gỗ chú thợ mộc dưới làng xẻ và chà cho, chế từ cục gỗ làm chân và hai mảnh xẻ thân ghép vào làm mặt. Những tấm vải lanh nhuộm chàm thì mang từ Sapa về. Gốm Nhật tự tay mình đi lựa từng chiếc. Những đôi guốc xinh xinh mình mua trong chuyến đi Đài Loan,…Mỗi thứ một chút nhưng hài hòa với nhau", chị Nhàn kể.
Được biết quá trình trùng tu căn nhà 3 gian nói riêng hết gần 3 tháng, và hoàn thiện cả 2 căn nhà cùng khuôn viên cảnh quan hết gần 6 tháng. Khó khăn nhất là ở quá trình vận chuyển nguyên vật liệu lên đỉnh núi do đường lên là đường làng nhỏ và rất dốc. Thế nên việc vận chuyển nguyên liệu từ chân núi lên rất vất vả cho đội thợ.
Trùng tu ngôi nhà trước, rồi chị Nhàn bắt đầu triển khai cảnh quan cây cối xung quanh. Được cái nơi đây có sẵn nhiều cây cổ từ sấu, trám xanh, trám đen, bồ kết, mít nên chủ nhà chỉ cần trồng thêm cây tầng trung và thấp, cải tạo đất đồi núi để làm vườn.
Chủ nhân căn nhà này cũng tiết lộ, tổng chi phí cho cải tạo lại căn nhà 3 gian này cũng chưa hạch toán tổng thể bao giờ: "Giống như một người mê độ xe, làm là làm cho mình nên mình cứ thấy cái gì hay và đẹp là lại bồi đắp thêm. Đất và nhà đã mua lâu rồi lại qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu. Tới giờ vẫn cứ thấy gì hay lại làm tiếp nên giờ cũng chưa hạch toán tổng thể bao giờ. Nói chung mua đất không đắt vì đất tại ngoại thành chỉ vài triệu/m2. Chi phí tốn kém thứ 2 là xây dựng hoàn thiện và chi phí tốn kém nhất hiện nay là khâu vận hành duy trì nhà".
Để duy trì một căn nhà ở ngoại thành đúng nghĩa với người ở trong phố khá vất vả: "Ai cũng ngại đường xa và chỉ háo hức chăm về nhà được thời gian đầu thôi. Do đó, mình buộc phải tìm quản gia tốt và tính toán bài toán vận hành hiệu quả song song với nhu cầu gia đình sử dụng để nhà không thiếu hơi người và không bị hoang hóa trở lại".
Vì thế chị Nhàn đã quyết định dùng ngôi nhà 3 gian này cho gia đình sử dụng và kết hợp kinh doanh mô hình homestay, farmstay: "Nhà mình lúc nào cũng có 2 quản gia ở nên sạch sẽ ngăn nắp. Bạn bè, khách thuê cùng nhau chia sẻ không gian nhà trên núi ngắt xanh, sẵn sàng trốn phố khi cần".
Từ khi hoàn thiện đến nay đã được hơn 2 năm, căn nhà ba gian trở thành điểm lui về của gia đình chị Nhàn mỗi dịp cuối tuần, vừa là nơi nghỉ ngơi của gia đình, đón tiếp bạn bè, vừa chia sẻ không gian cho những gia đình nhỏ yêu cuộc sống ở quê.
Ảnh: NVCC