3 nguyên nhân số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM vẫn còn cao
- Tây Y
- 14:41 - 02/11/2021
Chiều ngày 1/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo về một số vấn đề nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.
Trước thông tin từ WHO về biến chủng phụ của Delta, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện tại, TP.HCM đã qua đỉnh của đợt dịch thứ 4, bên cạnh những biện pháp phòng chống dịch đang triển khai, ngành y tế TP phối hợp cùng các chuyên gia theo dõi diễn biến đối với biến chủng mới này.
Ngành y tế khuyến cáo, hiện tại, người dân cần đảm bảo biện pháp 5K, thực hiện tốt hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP, không được lơ là, chủ quan.
“Qua thực tiễn 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần 4, ngành y tế TP.HCM đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm và sẽ áp dụng khi có sự cố xảy ra trong thời gian tới. Hiện nay, Sở Y tế đang cùng các Sở, ngành xây dựng đề án phát triển y tế cơ sở trên địa bàn. Trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở, dự phòng từ tuyến TP đến tuyến phường, xã. Đặc biệt, cần có chế độ về chính sách để thu hút thêm nhân lực giỏi về làm việc tại đây”, Chánh văn phòng Sở Y tế chia sẻ.
Liên quan đến đề xuất tiêm vaccine mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu, nhóm nguy cơ cao trong tháng 11, 12/2021, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, TP.HCM đã đề xuất vấn đề này với Bộ Y tế và sẽ tuân theo hướng dẫn của Bộ. Đối với công tác tiêm vaccine cho trẻ em từ 3-12 tuổi, Sở Y tế đang lập kế hoạch chi tiết với các phường, xã để đề xuất với Bộ Y tế trong thời gian tới.
Nguyên nhân số ca nhập viện vẫn còn cao
Lý giải vì sao số ca F0 tại TP.HCM vẫn còn cao, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai phân tích 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, khi các cơ sở thu dung tại địa bàn quận huyện thu gọn lại, những bệnh nhân đang điều trị tại những nơi này sẽ được đưa vào các bệnh viện.
Thứ hai, khi các công ty, xí nghiệp, nhà máy bắt đầu hoạt động, việc test nhanh định kì được triển khai. Từ đó, phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính nằm trong lực lượng lao động từ các tỉnh thành đổ về. Tuy nhiên, do các xí nghiệp, nhà máy không đủ điều kiện cách ly, phần lớn người lao động sẽ được đưa vào bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Thứ 3, đối với trường hợp lao động nghèo nhiễm COVID-19, sống tại khu nhà trọ, khu lưu trú không đủ điều kiện cách ly tại nhà, những đối tượng này cũng được đưa vào bệnh viện để điều trị chăm sóc tốt hơn.
Bất kỳ sự chủ quan nào cũng rất nguy hiểm trong giai đoạn hiện nay
Nhấn mạnh nguyên tắc “An toàn tới đâu, mở cửa tới đó”, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho rằng không vì thấy tình hình khả quan hơn mà chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch COVID-19. Hiện nay, TP.HCM vẫn đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh - Cấp độ nguy cơ trung bình. Trong đó, có một số phường xã là cấp độ 3. Mỗi ngày TP đều có từ 1.000 – 1.400 ca mắc mới.
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho rằng không vì thấy tình hình khả quan hơn mà chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Tính từ 17g ngày 31/10 đến 17g ngày 01/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 927 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 429.652 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngày 01/11/2021, UBND TP.HCM đã có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn Thành phố. Theo đó, tính đến ngày 01/11, TP.HCM đạt cấp độ 2 trong kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19. Ở cấp quận, huyện, TP Thủ Đức: có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1; 9/22 địa phương đạt cấp độ 2 (quận 3, quận 11, quận 12, quận Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn). Có 5 quận giảm cấp độ dịch so với tuần trước gồm: quận 5, 6, Bình Tân, Tân Bình và Tân Phú. Ở cấp phường, xã, thị trấn: có 207/312 địa phương đạt cấp 1; 101/312 địa phương đạt cấp 2; 04/312 địa phương đạt cấp 3 (phường 4 - quận Phú Nhuận, xã Hiệp Phước - huyện Nhà Bè, xã Vĩnh Lộc B - huyện Bình Chánh và thị trấn Hóc Môn). Có 53 phường, xã giảm cấp độ dịch và 32 phường xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
Cũng trong ngày 01/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận 7 tổ chức trao quyết định thành lập các trạm y tế lưu động tại các phòng khám đa khoa trên địa bàn quận. Cụ thể, UBND quận 7 quyết định thành lập 8 trạm y tế tại các phòng khám đa khoa: Liên Tâm 3, Kim’s Eye, Quốc tế Sài Gòn – Lê Văn Lương, Trí Việt, Quốc tế CarePlus, Sky, Phước An, Duy Khang. Các trạm y tế trên sẽ kết nối với trạm y tế của 10 phường, Tổ chăm sóc sức khỏe người mắc Covid-19 cộng đồng, Tổ y tế tự quản trong hộ kinh doanh, Tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp và Đội phản ứng nhanh 10 phường thực hiện việc chăm sóc, thăm khám F0 tại nhà. Cùng với đó, phát hiện sớm những trường hợp F0 phát sinh mới, kịp thời xử lý và điều trị ban đầu các trường hợp F0 chuyển nặng để chuyển vào bệnh viện.