26 thiết bị y tế trị giá hơn 37 tỷ đồng 'đắp chiếu' ở Hải Dương
- Y học 360
- 00:10 - 30/11/2020
Như Tiền Phong đã đưa tin, trong năm 2018 - 2019, Sở Y tế Hải Dương thực hiện 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế công lập, với tổng giá trị hơn 277 tỷ đồng. Đó là các gói thầu mua: thiết bị cấp cứu sản khoa, thiết bị nội soi, máy chụp Xquang, máy xét nghiệm và thiết bị y tế khác.
Thời điểm kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 5 trung tâm y tế (TTYT) huyện: Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, đoàn thanh tra phát hiện nhiều trang thiết bị ít được sử dụng hoặc không đưa vào sử dụng, với tổng giá trị trên 50 tỷ đồng.
Cụ thể, các thiết bị như: Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng và sản full HD; Máy gây mê kèm thở; Máy rửa ống nội soi mềm tự động… ít được sử dụng phục vụ khám chữa bệnh.
Đáng chú ý, 26 thiết bị có tổng trị giá trên 37,4 tỷ đồng dù đã tiếp nhận bàn giao nhưng chưa đưa vào sử dụng tại TTYT các huyện: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà và Kinh Môn.
Điển hình thiết bị chưa sử dụng như: Máy hô hấp nhiệt độ công nghệ Plasma 50L; Máy xét nghiệp huyết học 28 thông số; Máy phân tích sinh hóa tự động 200 test/h; Máy xét nghiệm đông máu tự động 52 test/h; Máy xét nghiệm miễn dịch tự động 50 test/h; Máy đo điện giải 3 thông số, máy chụp CT 16 dãy...
Theo ghi nhận tại TTYT thị xã Kinh Môn, sau khi Thanh tra tỉnh Hải Dương phát hiện hàng loạt thiết bị "đắp chiếu" trong thời gian dài, bệnh viện tuyến huyện này đã mua vật tư hóa chất, đưa nhiều thiết bị vào sử dụng vào giữa năm 2020. Trong ảnh: Các thiết bị y tế mới đã được đưa vào khám chữa bệnh cho người dân.
Ông Hoàng Văn Tiến - Giám đốc TTYT thị xã Kinh Môn cho biết, lý do các thiết bị y tế "đắp chiếu" do giá hóa chất vật tư cao và thời gian chờ lên kế hoạch mua sắm kéo dài.
Cận cảnh máy xét nghiệm miễn dịch tự động, đây là một trong 6 thiết bị y tế tại TTYT thị xã Kinh Môn được mua về nhưng "đắp chiếu" trong nhiều tháng.
"Sau khi có vật tư, hóa chất, đơn vị đã khẩn trương đưa thiết bị vào vận hành phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân", ông Hoàng Văn Tiến - Giám đốc TTYT thị xã Kinh Môn nói.
Nhiều thiết bị y tế khác tại TTYT thị xã Kinh Môn cũng mới được đưa vào hoạt động sau một thời gian dài "đắp chiếu". Theo báo cáo, dù TTYT thị xã Kinh Môn đã xây dựng danh mục đấu thầu hóa chất, vật tư trình Sở Y tế nhưng TTYT thị xã Kinh Môn không đưa danh mục các loại hóa chất kèm theo do chưa biết thông số kỹ thuật của từng thiết bị.
Tháng 9/2019, TTYT thị xã đã liên hệ với các nhà thầu cung cấp hóa chất cho các máy nêu trên nhưng giá cao hơn giá thanh toán của BHYT. Năm 2020, đơn vị này mới xây dựng được danh mục thầu hóa chất, vật tư y tế và nửa năm sau đó các thiết bị y tế này mới được đưa vào vận hành.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Mạnh Cương - Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết tình trạng chảy máu chất xám khiến nhiều trung tâm y tế thiếu hụt nhân lực. Điển hình tại TTYT huyện Nam Sách, huyện Thanh Hà thời điểm kiểm tra một số thiết bị không có người vận hành, sử dụng.
Trong khi đó, một trung tâm y tế chưa chủ động trong việc đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của nhân viên y tế.