2020: “Năm vì trẻ em”
- Y học 360
- 13:29 - 28/01/2020
6.357 lượt trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh
Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em, dự án "Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025. Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em".
Đặc biệt, Diễn đàn trẻ em quốc quốc gia với chủ đề "Trẻ em với vấn đề về trẻ em" được tổ chức từ ngày 14 – 17/ 8 tại Hà Nội với sự tham gia của 169 trẻ em đại diện cho trẻ em của 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng trẻ em 4 tỉnh, thành phố, Làng trẻ em SOS Việt Nam và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An. Tại Diễn đàn, các em tham gia thảo luận nhóm và được chia nhóm để tập trung thảo luận chi tiết về 6 chủ đề: Trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Trẻ em với vấn đề an toàn trên môi trường mạng; Trẻ em với vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Trẻ em với vấn đề phát triển toàn diện; Trẻ em với vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Năm 2019, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, có 49/63 tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với 6.357 lượt trẻ em tham gia, trong đó có 281 Diễn đàn trẻ em cấp huyện với 45.024 lượt trẻ em tham gia và 1.030 Diễn đàn trẻ em cấp xã với 99.542 lượt trẻ em tham gia. Số lượng Diễn đàn trẻ em cấp xã năm 2019 đã tăng gấp 3,4 lần so với năm 2017. Một số tỉnh có 100% cấp huyện tổ chức diễn đàn trẻ em như: tỉnh Cà Mau (9/9 huyện), tỉnh Bình Dương (9/9 huyện); tỉnh Quảng Ninh (14/14 huyện); tỉnh Bình Thuận (10/10 huyện), tỉnh Khánh Hòa (8/8 huyện). Đặc biệt, thành phố Hội An (Quảng Nam) có 100% phường tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp xã.
Tại Diễn đàn trẻ em, bằng những hình thức phong phú như đóng tiểu phẩm, kể chuyện, vẽ tranh, trưng bày góc truyền thông và với khả năng sáng tạo của tuổi thơ, các em đã chuyển tải các thông điệp, câu hỏi tới gia đình, nhà trường, cộng đồng, chính quyền các cấp về những vấn đề trẻ em quan tâm. Tới tham dự, chủ trì và cùng trao đổi với các em có lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể các cấp.
Diễn đàn trẻ em được quan tâm tổ chức thiết thực, bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em ở các cấp. Nhiều ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đã được lắng nghe và chuyển thành những hành động tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện và bảo vệ quyền của trẻ em.
Năm 2020 sẽ chọn là "Năm vì trẻ em"
Năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực trẻ em được tăng cường. Ủy ban quốc gia về trẻ em thực hiện kiểm tra liên ngành về thực hiện quyền trẻ em tại 5 tỉnh. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra liên ngành đối với cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục mầm non tại 4 tỉnh, thành phố. Cục Trẻ em thực hiện kiểm tra định kỳ công tác trẻ em tại 9 tỉnh, thành phố. Năm 2020, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ tập trung vào việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức về bảo đảm quyền trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Năm 2020, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về trẻ em chọn năm 2020 là "Năm vì trẻ em" để tập trung thực hiện đồng bộ việc đánh giá, tổng kết, xây dựng chiến lược, chương trình, đề án về trẻ em; tăng cường các giải pháp tạo lập cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.
Hướng dẫn lồng ghép các chỉ tiêu về trẻ em trong Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, địa phương, ngành đến năm 2025 và 2030 gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; truyền thông, tư vấn về kỹ năng làm cha, mẹ và kỹ năng sống cho trẻ em thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội và truyền thông cộng đồng. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 theo hướng đa phương tiện, kết nối vùng và kết nối trực tuyến.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên nên về tổng thể, trẻ em Việt Nam được sống trong một môi trường bình an, trong lành và được xã hội quan tâm, luôn dành cho trẻ em những gì tốt nhất có thể làm được. Các em được bảo vệ, chăm sóc, được tạo điều kiện để phát triển.