THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:17

20 nước trên thế giới dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Theo Bộ Ngoại giao, từ năm 2009, đề án đã được triển khai tại tất cả các châu lục trên thế giới, dưới những hình thức phong phú, đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, đã phát hiện, sưu tầm và đưa về nước một số hiện vật, tư liệu quý giá liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn, thực hiện đề án đã góp phần làm cho chính quyền, các giới và nhân dân nhiều nước trên thế giới hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung.

Hồ chí Minh: Nền văn hóa của tương lai

Đánh giá về Đề án, Bộ Ngoại giao nhận định, vượt qua nhiều khó khăn, các bộ, ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ, có nhiều cách làm mới sáng tạo, triển khai có kết quả các hình thức tôn vinh, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với từng địa bàn cụ thể trên thế giới. Tất cả điều đó đã thể hiện sinh động và bắt nguồn từ sự kính trọng và lòng biết ơn vô hạn của chúng ta đối với Bác Hồ kính yêu.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng bôn ba, tìm con đường giải phóng dân tộc, mở rộng quan hệ đối ngoại, gắn kết sự nghiệp cách mạng của Việt Nam với cách mạng thế giới trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, để lại nhiều dấu ấn về tình đoàn kết giai cấp vô sản và tình cảm hữu nghị nhân dân thế giới, được các nước và bạn bè quốc tế trân trọng và lưu giữ đến ngày nay.

Bộ Ngoại giao đã trao bộ kỷ vật liên quan đến hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hoa Kỳ cho Bộ VH-TT&DL lưu giữ, bảo tồn và khai thác

Thông qua hoạt động thực tiễn phong phú và cuộc đời không ngừng phấn đấu, hy sinh cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng xuất sắc về cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội được cộng đồng và bạn bè quốc tế yêu quý, nể trọng và được Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc vinh danh ghi nhận trong Nghị quyết tại khóa họp lần thứ 24 năm 1987. 

Thực tế đó là môi trường và chất liệu hiện thực quý báu, đặt ra yêu cầu khách quan đòi hỏi công tác tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài cần liên tục đổi mới, chuyên sâu hơn, có trọng tâm, trọng điểm và luôn xác định là một nhiệm vụ lâu dài. Thông qua hình ảnh “Nhà văn hóa kiệt xuất” thế giới sẽ biết rõ hơn về bề dày của một dân tộc nghìn năm văn hiến, đã hun đúc nên một con người mà từ đó “tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”, (nhà báo Liên xô Ôxíp Mandenxtam).

Tượng đài Người được xây dựng nhiều nước trên thế giới

Trước khi có Đề án đã có một số nước xây dựng hoặc đặt tượng Bác trong đó có một số thiết kế là được các nhà điêu khắc sở tại sáng tác như ở Nga, Mẹhico. Một trong những bức tượng đầu tiên của Bác được dựng ở nước ngoài là tại Ấn Độ năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Trong 6 năm triển khai Đề án, theo thống kê số liệu cập nhật đến ngày 12/10/2015, ta đã thực hiện được: dựng thêm được 10 tượng/tượng đài ở các nước Chile, CH Dominicana, Mexico, Achentina, Philippines, Singapore, Sri Lanka; Lào; Thái Lan; tu bổ tượng Bác, nâng cấp khu tượng đài và khánh thành công trình tu bổ ở Madagascar; Mexico; Hungary; đang trong quá trình xây dựng khuôn viên và tiến hành đặt tượng tại Ulianovsk, Liên bang Nga.

Các đại biểu xem triển lãm hình ảnh và hiện vật trưng bày tại hội nghị

Hiện nay, hình thức dựng tượng, tượng đài tưởng niệm Bác đã được thực hiện tại khoảng 20 nước trên thế giới ở cả Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi, và sẽ còn có kế hoạch dựng tượng, tượng đài ở nhiều nước khác.

Với các hình thức phong phú tôn vinh con người Việt Nam tiêu biểu nhất, Đề án đã góp phần làm cho chính quyền, các giới và nhân dân sở tại hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua hình tượng của Người, về truyền thống văn hóa, lịch của của dân tộc Việt Nam nói chung. Đề án cũng góp phần gắn kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng bà con về quê hương và góp phần sưu tầm, lưu giữ, bảo vệ và phát triển những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu tích, dưới cả góc độ vật thể và phi vật thể.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, tôn vinh Bác là tôn vinh con người Việt Nam tiêu biểu nhất mà các giá trị tinh hoa của dân tộc Việt Nam đã kết tinh ở Người. Thông qua hình ảnh “Anh hùng giải phóng dân tộc” Hồ Chí Minh, thế giới sẽ hiểu rõ hơn truyền thống yêu nước và ý chí vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

“Qua hình ảnh “Nhà Ngoại giao Hồ Chí Minh”, thế giới sẽ biết rõ hơn truyền thống nhân văn, bản chất hòa hiếu, tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng như tinh thần rộng mở, luôn mong muốn và sẵn sàng làm bạn với nhân dân các nước của dân tộc Việt Nam. Việc đề cao “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, thế giới nhận rõ hơn nữa về những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh đối với tiến trình phát triển của nhân loại, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về công cuộc đổi mới hiện nay và con đường mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn, cũng như chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay” Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ Ngoại giao đã trao bộ kỷ vật liên quan đến hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hoa Kỳ cho Bộ VH-TT&DL lưu giữ, bảo tồn và khai thác, phục vụ trực tiếp việc giáo dục thế hệ trẻ về sự nghiệp và di sản của Người. Cũng tại hôi nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận phân tích, đánh giá ý nghĩa, tác động của các hình thức tôn vinh Bác ở các địa bàn trên thế giới; tác động của việc triển khai đề án đối với công tác tuyên truyền về đất nước và con người Việt Nam; đề xuất các biện pháp cụ thể, phù hợp nhằm tiếp tục thực hiện đề án hiệu quả và lâu dài ở nước ngoài…

Nguyễn Thanh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh