THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:33

TP Hồ Chí Minh: 20 mẫu rau tưới nhớt tồn dư asen, đồng và kẽm

 

Chiều 8/12, bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý An toàn thực phẩm - Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi các báo đăng clip trồng rau bằng nhớt, cơ quan chức năng đã xuống phường Thạnh Xuân lấy 20 mẫu về kiểm tra. "Qua kiểm tra, tất cả 20 mẫu này đều tồn dư 3 kim loại nặng là asen, đồng và kẽm nhưng trong mức độ cho phép", bà Thoa nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa. Ảnh: Hải An.

Theo bà Thoa, thành phố có khoảng 1.000 hộ trồng rau muống nước. Chi cục đã tập huấn và buộc người dân ký cam kết không được sử dụng nhớt thải, nhưng chỉ có 988 hộ đồng ý.

"Khi kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ phát hiện một hộ sử dụng nhớt thải. Đa số nông dân trồng rau muống ở TP Hồ Chí Minh đều là người từ phía Bắc vào. Họ có thể làm vài vụ rồi có việc phải trở lại quê, chuyển giao cho người khác", bà Thoa phân tích.

Ngoài việc theo dõi, kiểm tra việc người dân mua bán thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục còn tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn hàng từ các địa phương khác nhập vào TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo bà Thoa, năm nay Chi cục lấy 1.000 mẫu thực phẩm để phân tích 179 loại hoạt chất, phát hiện 8 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Người dân đang ăn uống kiểu "hên xui"

Cho rằng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề người dân lo lắng, bức xúc nhất, ông Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy Phú Nhuận đặt câu hỏi: "Chúng ta có nhiều cơ quan quản lý nhưng tại sao vẫn có nơi buôn bán hàng hóa kém chất lượng? Người dân cho biết, họ vẫn không yên tâm cả khi vào siêu thị".

Ông lo lắng, hiện nay tại các chợ truyền thống, chợ trong khu dân cư, không thể kiểm soát được nguồn hàng lấy từ đâu nên người dân ăn uống theo kiểu "hên xui", và các loại bệnh liên quan đến ăn uống gia tăng.

"Tuổi thọ của người dân đang tăng nhưng lại không khỏe, do tích tụ nhiều chất độc trong thực phẩm", ông Thiều bức xúc.

Người dân dùng nhớt tưới lên rau muống ở quận 12, TP HCM. Ảnh: Trương Khởi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Các cơ quan chức năng phải theo dõi sát sao, kiểm soát liên tục chất phụ gia trong chế biến thực phẩm thì người dân mới yên tâm ăn uống bình thường.

"Sở Công Thương phải công bố danh sách các điểm bán thực phẩm an toàn để người dân dễ dàng nhận diện. Liên tục rà soát các điểm chăn nuôi, trồng trọt để kiểm soát, phát hiện nông dân sử dụng chất cấm. Quá trình bày bán cũng cần có quy trình kiểm tra tại chỗ", ông Nhân đề nghị.

Nhắc tới vấn đề an toàn thực phẩm được bàn thảo từ kỳ họp trước đến kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh lần này, đại biểu Nguyễn Văn Lâm dí dỏm: "Có một bà đi chợ mang theo máy để đo hóa chất trong rau. Riết rồi đi chợ phải mang cả ba lô vật dụng để thử hóa chất, thuốc trừ sâu".

Trong khi đó, đại biểu Phạm Hưng Út cho hay, vài tháng gần đây thực phẩm bẩn rất báo động. Người dân ăn rau thì đụng rau phun thuốc trừ sâu, nhớt; ăn thịt thì gặp thịt nhiễm chất tạo nạc.

"Theo báo chí, mỗi năm có 200.000 - 500.000 người bị ung thư vì thức ăn không sạch. Tôi đề nghị phải có nghị quyết riêng cho vấn đề an toàn thực phẩm", ông nói.

Muốn mua thực phẩm an toàn cần vào siêu thị

Còn đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, người dân không thể tự kiểm tra bằng cảm quan thực phẩm bẩn, tồn dư hóa chất. Nếu muốn nhận diện thực phẩm không an toàn thì chỉ có cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra.

Vị này khuyến cáo, nếu người tiêu dùng muốn chắc chắn mua được thực phẩm an toàn thì nên vào siêu thị. Theo ông, các siêu thị đã cùng cơ quan chức năng chặn thực phẩm bẩn từ lúc mới nhập. Nhà cung cấp muốn đưa hàng vào siêu thị thì phải có chứng nhận đủ điều kiện chất lượng sản phẩm. Sau đó, siêu thị sẽ đưa các mẫu này đi kiểm tra để xác định có được bán hay không.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh