2 năm nghỉ việc, trở thành một freelancer
- Bác sĩ
- 13:55 - 27/06/2020
Ngày này của hai năm trước, là ngày làm việc cuối cùng tại công ty mà tôi đã gắn bó suốt 5 năm.
Tính tới nay, đã 2 năm trôi qua.
Trong hai năm này, trước tiên tôi mày mò con đường trở thành một freelancer, sau đó dần dần từ một freelancer trở thành một nhà khởi nghiệp. Hiện tại, nhóm của chúng tôi có 5 người, 3 người toàn thời gian và 2 người bán thời gian.
Trong suốt 2 năm, đã có lúc tôi cô đơn và bất lực, cũng có những ngày phải sống trong hoang mang và lo lắng, cũng từng trải qua cảm giác khủng hoảng vì thu nhập, hay thường xuyên phải làm việc vào buổi tôi hoặc cuối tuần. Nhưng, tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định này, ngược lại, tôi cảm thấy đây là 2 năm vui vẻ và thỏa mãn nhất mà tôi sống kể từ sau khi tốt nghiệp.
Con người ta khi nào thì sống vui vẻ nhất?
Tôi nghĩ, đó là khi được phát huy tài năng của chính mình, hiện thực hóa các giá trị quan của bản thân, và không ngừng nỗ lực hướng tới mục tiêu mà mình mong muốn.
Kiểu sống vui vẻ là chính mình này, có thể trong mắt người ngoài nó là một điều gì rất khó hiểu, bởi lẽ nó đồng nghĩa với việc bạn từ bỏ một công việc ổn định và một thu nhập không tồi, để lựa chọn một con đường không rõ ràng, không xác định, thiếu đi sự chắc chắn.
Nhưng, nếu bạn không bao giờ lĩnh hội được cảm giác tự do khi "trở thành chính mình", bạn sẽ vĩnh viễn không thể hiểu được giá trị và ý nghĩa của nó.
Kiểu tự do này, không phải là tự do kiểu muốn làm gì thì làm, muốn có gì thì có.
Kiểu tự do này là kiểu tự do mang tới cho bạn cơ hội lớn nhất để đi tìm kiếm, phát triển, nâng cao bản thân và sống là chính mình.
Tất nhiên, cũng giống như bất cứ việc nào khác, nếu muốn có được nó, bạn phải trả một cái giá tương ứng. Kiểu tự do này cũng không ngoại lệ, bạn có thể nắm được mấu chốt của nó hay không không nằm ở việc bạn có bao nhiêu mánh khóe và phương pháp, mà nằm ở việc bạn có thể bỏ ra bao nhiêu, và dám từ bỏ những gì.
Bài viết này là những suy nghĩ và trải nghiệm của tôi trong 2 năm qua, nó giúp tôi nhận ra được một điều rằng, muốn theo đuổi sự tự do này, tôi bắt buộc phải buông bỏ một vài thứ.
1. Lo ngại rủi ro
Trước mặt bạn có hai lựa chọn, một là cầm luôn 300 triệu, một là có 50% xác suất cầm được 1 tỷ, bạn sẽ chọn cái nào?
Rất nhiều người sẽ chọn phương án đầu tiên, vì sao?
Vì nó "chắc chắn".
Đây chính là "hiệu ứng chắc chắn" nổi tiếng.
Hiệu ứng này được đề xuất bởi Daniel Kahneman, một nhà kinh tế học hành vi đã giành giải thưởng Nobel. Hiệu ứng này nói rằng khi đối mặt với những lợi ích nhỏ chắc chắn và lợi nhuận lớn không chắc chắn, con người ta thường nghiêng về phía lợi nhuận nhỏ chắc chắn.
Hay nói cách khác, khi đối mặt với lợi ích, phần lớn chúng ta đều trở thành những người lo ngại rủi ro.
Công việc hiện tại, là chắc chắn, dù lợi ích thu lại được không lớn như vậy. Còn sau khi nghỉ việc, dù là đổi việc, làm freelancer hay khởi nghiệp, dù có thể sẽ thu được lợi ích to lớn hơn, nhưng nó lại rất chông chênh.
Vì vậy, theo như "hiệu ứng chắc chắn" thì phần lớn mọi người sẽ lựa chọn vế trước. Nhưng nếu hiểu rõ xu hướng tâm lý này, bạn sẽ hiểu rằng đó chỉ là một hiệu ứng tâm lý, chứ nó không có nghĩa là sự lựa chọn tốt nhất.
2. Nỗi lo âu về địa vị
Thế nào là "nỗi lo âu về địa vị"?
Tác giả Alain de Botton đã viết một cuốn sách mang tên "Status Anxiety" (tựa Việt: "Nỗi lo âu về địa vị").
Trong đó có viết rằng: "Trong mắt người khác, tôi là người ra sao? Tôi là một người thành công hay một kẻ thất bại? Sâu bên trong mỗi người đều tồn tại những lo âu khó nói thành lời về thân phận và địa vị của mình trong xã hội."
Đây chính là "nỗi lo âu về địa vị".
Trước khi nghỉ việc, tôi cũng từng lo lắng như vậy.
Một khi nghỉ việc, mất đi sân khấu doanh nghiệp, mất đi ánh hào quang nghề nghiệp, tôi sẽ là ai? Ai sẽ để ý tới tôi?
Trước đó, tôi có thể giới thiệu mình là người phụ trách bộ phận tiếp thị ở thị trường Trung Quốc đại lục của công ty XX, nhưng sau này thì sao? Tôi nên giới thiệu mình như nào?
Đây chính là thực tế của nỗi lo địa vị.
Vậy, nó được tạo thành như nào?
Nó do hai nhân tố tạo nên: tham vọng địa vị và khuynh hướng bợ đỡ.
Thế nào là "tham vọng địa vị"?
Tham vọng địa vị hay khao khát bản sắc chính là: mọi người sở dĩ rất quan trọng hóa vấn đề này, chủ yếu là bởi con người ta bẩm sinh đã có một sự không chắc chắn trong định hình giá trị của bản thân.
Nói cách khác, những thứ chúng ta định nghĩa về bản thân mình, phần lớn đều phụ thuộc vào những gì người khác nghĩ về chúng ta. Sự cảm nhận và tự nhận thức về bản thân của chúng ta hoàn toàn chịu sự đánh giá bởi những người xung quanh mình.
Vì "tham vọng địa vị", chúng ta sẽ đánh giá mình dựa trên quan điểm của người khác.
Vì vậy, khi mà phần lớn mọi người cho rằng người ly hôn vừa đáng thương vừa thất bại, thì dù cho bạn có cảm thấy cuộc hôn nhân này không thể tiếp tục được nữa, thì vì muốn tránh suy nghĩ này, tránh định kiến của xã hội mà bạn sẽ vẫn cắn răng chịu đựng tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân sớm đã cơm chẳng lành canh chẳng ngọt này.
Tương tự, nếu như phần lớn mọi người đều cho rằng bỏ một công việc ổn định là chuyện ngu xuẩn, vậy thì chúng ta dù ra sao cũng sẽ không nghỉ việc.
Còn thế nào là "khuynh hướng bợ đỡ"?
Ý muốn nói: chúng ta thường chỉ ghen tị với những người có cùng đẳng cấp với mình, đó là nhóm so sánh của chúng ta. Vì vậy, điều không thể chịu đựng nhất là những người bạn thân nhất của chúng ta thành công hơn mình.
Vì vậy, "khuynh hướng bợ đỡ" sẽ khiến chúng ta không thể nào thoát ra khỏi sự so sánh với những người xung quanh mình.
Khi ai đó mà mình biết mua được nhà to, chúng ta sẽ cảm thấy nhà mình không đủ lớn; khi ai đó mà chúng ta biết đi du lịch Thụy Sỹ vào kì nghỉ Tết, chúng ta sẽ cảm thấy chuyến đi trong nước của mình thật vô vị.
Khi chúng ta có nhiều hơn và tốt hơn so với "nhóm so sánh" của mình, chúng ta sẽ cảm thấy an toàn; ngược lại, chúng ta sẽ tìm đủ mọi cách để có thể đạt được tới cấp độ của họ.
Tuy nhiên, dù là loại nào, chúng ta cũng có một khung tham chiếu rõ ràng, khung tham chiếu này sẽ mang lại cho chúng ta nhận dạng địa vị, và sau đó mang lại cảm giác an toàn.
Rời khỏi công ty, quyết định nghỉ việc, làm việc mà mình muốn, đồng nghĩa với việc tôi phải chiến đấu lại với hai nỗi lo thân phận này, tất nhiên điều này không hề dễ dàng gì. Nhưng sau khi đã hiểu được đạo lý bên trong, trở ngại cũng dần được gỡ bỏ.
3. Thiếu thốn tiền bạc
Trước kia, cứ mỗi lần nghĩ tới Gap year là tôi lại cảm thấy lo lắng về tài chính và tiền bạc, sau này, khi nghĩ tới việc nghỉ làm, nỗi lo này cũng xuất hiện.
Điều này làm tôi vô cùng bối rối: suốt mấy năm nay, tôi đã tiết kiệm đủ tiền để duy trì chất lượng cuộc sống như trước, vậy tại sao tôi vẫn luôn cảm thấy thiếu tiền?
Sau này, tôi mới ý thức được rằng, thiếu thốn tiền bạc, chưa chắc là thiếu thốn thực sự, ngược lại, nó chỉ là cảm giác không bao giờ biết thỏa mãn.
Vậy thì, có phải là cứ "độc lập tài chính" thì chúng ta sẽ không có cảm giác "thiếu thốn tiền bạc"?
Hãy cùng nói về độc lập tài chính.
Thực ra, chúng ta phần lớn đều có một giả thuyết sai lầm về "độc lập tài chính", đó chính là "chỉ cần độc lập về tiền bạc rồi, chúng ta có thể đi làm bất cứ việc gì mà mình thích."
Nhưng có thực là như vậy?
Thứ nhất, vì sao phải đợi tới khi độc lập tiền bạc rồi mới đi làm việc mình thích? Tại sao không phải là đi làm việc mình thích ngay lúc này?
Thứ hai, thế nào là độc lập tài chính?
Định nghĩa nói rằng, độc lập tài chính là tình trạng có đủ thu nhập để trả chi phí sinh hoạt cho phần còn lại của cuộc đời mà không phải làm việc hoặc phụ thuộc vào người khác.
Nhưng, chẳng hạn: Một người bạn của tôi, khi cậu ấy có 200 triệu trong tay, nên cậu ấy cảm thấy nếu như có 1 tỷ thì chính là độc lập tài chính, nhưng tới lúc có 1 tỷ rồi, cậu ấy lại cảm thấy có 2 tỷ mới là độc lập tiền bạc.
Điều tôi muốn nói ở đây là khái niệm "độc lập tài chính" luôn thay đổi, trừ phi chúng ta học được cách kiểm soát dục vọng và sự tham lam của bản thân.
Một nhà tư vấn kinh doanh nổi tiếng từng nói: "Vì sao có rất nhiều người chẳng mặn mà gì với máy bay riêng? Đó là bởi họ không mua nổi. Nhưng vì sao họ lại luôn rất muốn đi Maldives? Vì chỉ cần tiết kiệm khoảng 2,3 tháng là đủ đi. Chỉ cần trên thế giới này vẫn còn những thứ nằm trong khả năng tài chính của mình, thì tiền luôn luôn không đủ tiêu, tài chính cũng không bao giờ có thể được độc lập. Suy cho cùng thì tâm hồn tự do mới là tự do đích thực."
4. Rạn nứt liên kết
Con người có thuộc tính xã hội, ai cũng cần được kết nối với người khác, kiểu kết nối này đem lại cho ta sức mạnh và sức sống.
Vì vậy, khi chúng ta muốn tới một chân trời lớn hơn, vượt qua ranh giới, rời xa khỏi sự quen thuộc thoái mái bấy lâu, bạn sẽ cảm nhận được rất rõ nét sự rạn nứt liên kết này. Cảm giác này sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết đặc biệt là khi con đường sắp tới chúng ta phải đi một mình, không có ai bên cạnh.
Khi rời công ty hiện tại tới một công ty mới, chúng ta lo lắng mình không thể thiết lập được mối quan hệ đồng nghiệp ấm áp và thân thiết như hồi còn ở công ty cũ, cảm thấy thiếu đi cảm giác an toàn, vì vậy mà do dự ngần ngại không dám nghỉ việc.
Khi chúng ta muốn rời xa người bạn gái mình không còn yêu, chúng ta lại lo lắng mình không thể chấp nhận được cảm giác mất đi một mối liên kết thân thiết, cảm thấy mất đi cảm giác an toàn, vậy là chúng ta lựa chọn không rời đi.
Nhưng nếu cứ sợ hãi cảm giác thiếu an toàn như vậy thì bao giờ bạn mới có thể trở nên độc lập, bao giờ mới có thể vượt lên chính mình? Có người từng nói: "Đường của mình bước tự mình bước đi", mỗi một người xuất hiện trong một giai đoạn cuộc đời là một cái duyên, và cái duyên ấy có tiền đề là quyết định của mỗi chúng ta, vì vậy, xem nhẹ mọi thứ, mối quan hệ ở hiện tại có thể sẽ ngày một xa cách, nhưng tin tôi, trong tương lai bạn nhất định có thể gặp được những người phù hợp với mình.
Lời kết:
Cứ như vây, vì 4 nguyên nhân trên, chúng ta không muốn rời khỏi chốn cũ.
Nhưng sau khi nhìn thấu và nghĩ thông được những điều này, mọi thứ bỗng nhiên trở nên thông thái, sáng sủa hơn rất nhiều.
Thì ra, thứ chúng ta phải đối mặt không phải là sự thiếu thốn tiền bạc, sự lo lắng về địa vị cá nhân, sợ hãi việc mất đi các mối liên kết, mà là yếu điểm của con người.
Giống như triết gia người Đức, Martin Heidegge từng nói: "Con người ta khi không được tự do sẽ thấy bức bối, nhưng lúc tự do rồi lại cảm thấy sợ hãi."
Hiện tại, tôi đã không còn cảm thấy khủng hoảng, sợ hãi, tôi dám vượt qua nó để đối mặt với những yếu điểm của con người, sau khi buông bỏ chấp niệm với cảm giác an toàn hay vùng thoải mái, tôi bước lên con đường tạo ra một cuộc sống hạnh phúc và thành đạt khác mà mình theo đuổi.