CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:14

2 'hiệp sĩ' bắt trộm bị sát hại ở TP HCM có được công nhận là liệt sĩ?

Hiện trường nơi các "hiệp sĩ" bắt cướp bị sát hại.

 

Chiều ngày 14/5, trao đổi với Báo LĐ&XH Phó Cục trưởng Cục NCC (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Kiên thông tin về những  điều kiện xác nhân liệt sĩ được quy định cụ thể tại khoản 1  Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công số 26/2005/PL-UBTVQH11 . Theo đó, liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;

b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;

c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;

d) Làm nghĩa vụ quốc tế;

đ) Đấu tranh chống tội phạm;

e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

h) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát.

Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Duy Kiên, tại  Điều 17 thuộc Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định cụ thể điều kiện xác nhận liệt sĩ như:

a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;

c) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị.

Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ;

d) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;

đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh;

e) Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

g) Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

h) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;

i) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau: Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế. Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên;

k) Mất tin, mất tích quy định tại Điểm 1 Khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ;

l) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai.

Không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với:

a) Những trường hợp chết do tự bản thân gây nên hoặc do vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị;

b) Những trường hợp chết từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động.

“Vì vậy việc có công nhận liệt sĩ hay không cho 2 trường hợp “hiệp sĩ” bị sát hại tại Tp Hồ Chí Minh phải dựa trên hồ sơ xác nhận và văn bản đề nghị của cơ quan chức năng ở TP HCM”- ông Kiên khẳng định.

Cùng ngày, trả lời Báo LĐ&XH, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Công an, phòng LĐ-TB&XH, Ủy ban nhân dân quận 3 làm hồ sơ cần thiết theo quy định đề nghị Bộ LĐ-TB&XH công nhận liệt sĩ đối với 2 “hiệp sĩ” bị sát nếu đủ điều kiện.

Như báo chí đã nêu, vào lúc 20h30 ngày 13/5, nhóm "hiệp sĩ" săn bắt cướp quận Tân Bình gồm 7 thành viên đi trên 4 xe máy, phát hiện 2 thanh niên đi xe Exciter có biểu hiện bất chính nên bám theo.

Khi đến trước một cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, nam thanh niên ngồi sau nhảy xuống dùng đoản bẻ khóa xe SH mang BKS tỉnh An Giang. Nhóm "hiệp sĩ" đã xông vào bắt 2 thanh niên. Do bị vây bắt nên kẻ trộm đã rút dao thủ sẵn tấn công vào nhóm "hiệp sĩ" rồi tăng ga bỏ chạy.

Mặc dù được đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cấp cứu nhưng do bị đâm vào những vùng trọng yếu trên cơ thể nên anh Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định) và anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã tử vong.

Các "hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng (SN 1971, ngụ quận Tân Bình), Nguyễn Đức Huy (SN 1996, ngụ quận Tân Phú) và Đinh Phú Quý (SN 1996, ngụ huyện Củ Chi, cùng tại TP HCM) bị thương nặng nên đang được theo dõi. Hiện thời sức khỏe 3 "hiệp sĩ" đã qua cơn nguy kịch.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh