CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:54

16 địa phương cấp thẻ Căn cước công dân

 

Trong đó, 14 địa phương đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để cấp Căn cước công dân từ ngày 1/1/2016 theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ và Tây Ninh. Ngoài ra, Bộ Công an đang cố gắng hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình cũng đủ tiêu chuẩn cấp thẻ Căn cước công dân từ đầu năm 2016.

Theo Đại tá Phùng Đức Thắng, các địa phương còn lại vẫn tiến hành cấp mới, cấp đổi CMND cũ như bình thường.

Bộ Công an đã có hướng dẫn công an các địa phương cấp mới Căn cước công dân cho những người đủ 14 tuổi; trường hợp cấp đổi CMND cũ 9 số hoặc CMND mới 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì sẽ cắt góc CMND và để người dân giữ lại CMND này nhằm thuận tiện trong các giao dịch dân sự. Những người dân có nhu cầu cũng sẽ được lực lượng công an cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND sang thẻ Căn cước công dân.

Ông Thắng cho biết năm 2016, Bộ Công an sẽ tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện cấp CMND mới 12 số (giai đoạn 1) và sau đó lập đề án, xin cấp kinh phí để mở rộng cấp Căn cước công dân với mục tiêu đến ngày 1/1/2020 sẽ cấp Căn cước công dân trên toàn quốc.

“Như vậy từ ngày 1/1/2016 sẽ có 3 loại giấy tờ cùng lưu hành là CMND 9 số, CMND 12 số và Căn cước công dân nhưng giá trị sử dụng của các loại giấy tờ này là như nhau theo đúng quy định”- ông Thắng khẳng định.

Trả lời thắc mắc xung quanh việc Căn cước công dân chưa được in thông tin song ngữ Việt- Anh và không có thông tin về nhóm máu thì làm sao đảm bảo hội nhập với quốc tế, ông Thắng khẳng định việc này thực hiện đúng theo quy định của Luật Căn cước công dân.

“Chúng tôi cũng muốn đưa các thông tin đó vào nhưng khi thảo luận ở Quốc hội, các đại biểu thấy rằng việc đưa thông tin về nhóm máu sẽ gây phiền hà, tốn kém cho người dân khi phải đi làm thêm các xét nghiệm. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam chưa ký các cam kết với các nước trong khu vực về sử dụng thẻ Căn cước công dân. Sau này, theo lộ trình phù hợp khi chúng ta ký kết với các nước trong khu vực Đông Nam Á hoặc Đông Á, Châu Á thì thông tin song ngữ trên thẻ Căn cước công dân sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Thậm chí thông tin về nhóm máu cũng có thể được thể hiện trên đó”- ông Thắng nói.

Mặt trước Thẻ căn cước công dân sẽ được Bộ Công an cấp cho công dân đủ 14 tuổi trở lên kể từ ngày 1/1/2016

Mặt sau Thẻ căn cước công dân.

Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) quy định CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.

Đối với địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý Căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu Căn cước công dân để triển khai thi hành theo luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực. Chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật. Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Theo Thông tư 170/2015 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân từ ngày 1/1/2016 không phải nộp phí. Nhà nước cũng không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Công dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước thì mới phải trả phí: phí đổi thẻ căn cước là 50.000 đồng/thẻ và cấp lại là 70.000 đồng/thẻ.

Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định. Những trường hợp là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc. Công dân thuộc hộ nghèo cũng không phải nộp lệ phí đổi thẻ căn cước công dân. Công dân dưới 18 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng sẽ thuộc những trường hợp được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ này thay cho việc sử dụng hộ chiếu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh