CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Hà Nội vươn mình bứt phá

Hà Nội trở Hà Nội là đầu tàu, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Trong 15 năm qua, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm. Trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; Công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%.

Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động); Tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012 - 2022 đạt 5,24%.

Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt (bằng 21,4% mục tiêu năm 2025). Ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tổng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%); dự kiến cả năm 2023 thu hút 22 triệu lượt khách du lịch. Lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. Hệ thống các tổ chức tín dụng của thành phố tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt; Hà Nội thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Giai đoạn 2011 - 2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá. Hiện, thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay, TP đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Thành phố triển khai nhiều giải pháp, đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội,...

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, các ngành dịch vụ và du lịch đang trên đà phục hồi rất rõ nét, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng phù hợp với định hướng và yêu cầu dịch chuyển cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Kinh tế tri thức, kinh tế số ngày càng được chú trọng. Hiện, Hà Nội dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT với gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển đồng bộ hạ tầng, tập trung xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, Thành phố đang nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065... Thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn.

Thành phố đang triển khai 4 dự án nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Hạ tầng thoát nước được đầu tư, góp phần hạn chế úng ngập cục bộ kéo dài và đáp ứng tưới tiêu phát triển nông nghiệp,... Các khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, tạo nên không gian đô thị hiện đại của Thủ đô. Công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường có chuyển biến; tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt khu vực nội thành, chất thải y tế đạt 100%; tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch, cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị.

Hạ tầng thương mại nội địa được phát triển. Hà Nội hiện có 03 trung tâm logistics, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, 493 cửa hàng xăng dầu, 415 máy bán hàng tự động; 16.184 website ứng dụng thương mại điện tử,... Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh; chỉ số thương mại điện tử của Thành phố duy trì vị trí thứ 2 cả nước.

Thời gian tới, Hà Nội định hướng hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.

Hướng tới mục tiêu người dân ấm no, quan tâm an sinh xã hội

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… luôn được Hà Nội quan tâm ưu tiên, thực hiện đúng, đủ và kịp thời.

Theo số liệu từ UBND thành phố Hà Nội, đến nay, đời sống Nhân dân ở các khu vực của Hà Nội đã cải thiện đáng kể so với thời điểm hợp nhất. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, tương đương với 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD). Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố còn đến 8,43%. Đến đầu năm 2023, Hà Nội chỉ còn có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số; đặc biệt, 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Thủ đô năm 2022 giảm còn 0,095%. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số. Thực hiện hỗ trợ cho hơn 515 nghìn người, với tổng số tiền là 608,5 tỷ đồng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các nhu cầu thiết yếu về điện, nước sạch, vệ sinh môi trường được đảm bảo; cảnh quan đô thị, diện tích cây xanh, công viên được cải thiện. Công tác dân tộc được quan tâm, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển đồng bộ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt; từ năm 2018 không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn.

Hà Nội đã huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công, hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. 15 năm qua, nhiều thách thức khi dân số tăng nhanh, phát triển đô thị mất cân đối, hạ tầng kỹ thuật còn sự chênh lệch giữa các vùng miền, đại dịch COVID-19.., nhưng với nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, đặc biệt là với nhiều chính sách riêng, Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội…

Từ dấu mốc 15 năm thực hiện Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội tiếp tục đặt ra một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tiếp theo là phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng tối đa khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của người dân, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở... Khuyến khích các mô hình, sáng kiến trong cộng đồng xây dựng và củng cố mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội...

Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội hướng tới phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện tốt các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa trung tâm của Thủ đô. Triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chỉ đạo của Trung ương.

Nguyễn Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh