Giai đoạn 2016-2020:
12.795 tác phẩm báo chí chất lượng cao được hỗ trợ kinh phí
- Tây Y
- 14:31 - 30/09/2022
Sáng 30/9, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, giai đoạn 2016-2020, triển khai chương trình hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 với sự tham dự của 14 Hội Nhà báo các tỉnh miền núi phía Bắc, 11 Hội Nhà báo đồng bằng sông Hồng và các liên chi hội, chi hội nhà báo trực thuộc trung ương hội. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi chủ trì hội nghị.
Báo chí chất lượng cao mang tiếng nói xây dựng, phản biện tích cực
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định, công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt đời sống xã hội. Các tác phẩm báo chí được hỗ trợ là những tác phẩm tiêu biểu, có sự đầu tư công phu, có tính phát hiện, nêu bật những vấn đề được dư luận quan tâm, mang tiếng nói xây dựng, phản biện tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các quyết sách của Đảng và Nhà nước. Từ nguồn hỗ trợ sáng tạo, nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao đã đoạt Giải báo chí Quốc gia, giải báo chí cá địa phương và giải báo chí các bộ, ban, ngành đoàn thể.
“Mặc dù kinh phí được cấp hàng năm còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm, nhưng Đề án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao (Đề án) đã thực sự tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tập hợp, đoàn kết hội viên, làm cho mối quan hệ giữa tổ chức Hội với hội viên ngày càng gắn bó. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ, hằng năm, nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức. Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các nhà báo, hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại. Qua đó đã khơi dậy đam mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của những người làm báo Việt Nam”, ông Lợi nhấn mạnh.
Đánh giá hiệu quả xã hội của Đề án đối với báo chí chất lượng cao, ông Phan Toàn Thắng, Quyền Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Đề án thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với sự nghiệp đổi mới báo chí cả nước nói chung, đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao của các cấp hội nói riêng, báo chí cả nước đã có thêm nguồn lực mới, động lực mới và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, tạo diện mạo mới cho nền báo chí nước ta trong thời kỳ hội nhập đổi mới, phát triển.
Trong giai đoạn 2016-2021, Đề án đã hỗ trợ trực tiếp cho 4650 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các dịa phương với 8650 tác phẩm báo chí chất lượng cao, tổ chức 330 lớp bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí. Hỗ trợ 1850 lượt tác giả ở khối báo chí Trung ương với 4150 tác phẩm báo chí chất lượng cao, tổ chức 5 cuộc hội thảo nghiệp vụ báo chí toàn quốc để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Hỗ trợ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 10 đầu sách phổ biến tác phẩm chất lượng cao. Nhờ có kinh phí bổ sung, nhiều Chi hội khó khăn về tài chính đã có thêm nguồn lực để đầu tư vào hoạt động sáng tác tác phẩm chất lượng cao, được coi như “phao cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn, tạo thêm động lực để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên sáng tạo báo chí.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong hoạt động hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, nhưng trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Ông Phan Toàn Thắng cho biết: Mức hỗ trợ chưa theo kịp quy mô phát triển của đội ngũ hội viên, nhà báo do. Mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm rất thấp do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, số đơn vị cần hỗ trợ nhiều nên Hội đồng thẩm định và xét duyệt Trung ương Hội phải chia đều cho các đơn vị. Bên cạnh đó thiếu kinh phí cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao và phổ biến trong hội viên, phương thức hỗ trợ chưa có sự thống nhất giữa các Hội.
Đặc biệt, sự ra đời các phương tiện truyền thông mới dã và đang tác động sâu sắc đến việc tiếp cận thông tin của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp tới sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống. Sự phân chia các loại hình báo chí trong kỷ nguyên số cũng trở nên mờ nhạt, quá trình phát triển mạnh mẽ và đa dạng hóa của báo chí truyền thông hiện đại đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số. Thực tiễn đó đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động thực tiễn và công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như lĩnh vực nghiên cứu báo chí truyền thông hiện đại… “Hơn lúc nào hết, các cấp Hội nhà báo và người làm báo trong cả nước rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ có thêm nguồn kinh phí tiếp cận với phương thức tác nghiệp hiện đại trong nền tảng “Cách mạng công nghiệp 4.0” và có điều kiện “dấn thân” tác nghiệp trong bối cảnh thiên tai, thảm họa, dịch bệnh”, ông Phan Toàn Thắng nhấn mạnh.
Tạo nguồn tác phẩm chất lượng dự Giải báo chí Quốc gia, Búa liềm vàng…
Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, giai đoạn 2021-2025, triển khái Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021v của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025, đối với hoạt động hỗ trợ báo chí chất lượng cao có thêm thuận lợi khi kinh phí được tăng thêm và Thường trực Hội khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã thổng nhất chủ trương phân bổ kinh phí theo hướng thiết thực, hiệu quả, đảm bảo tính luân phiên và tránh dàn trải.
Để nâng cao chất lượng nội dung của các tác phẩm báo chí, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong giai đoạn 2021-2024, ông Trần Thái Sơn, Phó Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, về các mức thẩm định chất lượng tác phẩm cần hướng đến sự hợp lý, khả thi, vừa đảm bảo đánh gái sát chất lượng tác phẩm, đảm bảo hiệu quả hỗ trợ đáng kể cho những tác phẩm công phu, vừa tạo thuận lợi, tinh gọn trong quá trình thẩm định, tránh sự rườm rà không cần thiết. Các cấp Hội nên có sự cân đối giữa việc khuyến khích hội viên nâng cao chất lượng tác phẩm, tránh tình trạng thẩm định theo cách bình quân, cào bằng. Một trong những yêu cầu quan trọng của công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao là tạo nguồn tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia, Giải báo chí tỉnh và các giải báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức. Thực tế qua nhiều năm, phần lớn các tác phảm báo chí chất lượng cao được hỗ trợ đều tham gia giải các giải này, trong đó nhiều tác phẩm đã đoạt giải cao…
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học triển khai hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao. Tập trung các nội dung trao đổi về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đặc biệt, các ý kiến đều khẳng định, Đề án thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với sự nghiệp đổi mới báo chí cả nước nói chung và hoạt động nghiệp vụ báo chí của các cấp Hội nhà báo Việt Nam nói riêng.
Tuy nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế nhưng đã mang đến sự động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, giúp hội viên – nhà báo có thêm điều kiện tìm tòi, phát hiện và xây dựng các tác phẩm báo chí chất lượng cao phục vụ công chúng; đoàn kết, gắn bó, thu hút hội viên tích cực tham gia các hoạt động xây dựng tổ chức Hội. Nhiều Hội Nhà báo, Liên chi hội và Chi hội đã triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao, mở được nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các đợt đi thực tế, đạt được nhiều giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác, thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn triển khai của cơ quan Trung ương Hội.
Có thể nói, Đề án hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ đã được các cấp Hội triển khai thành công với nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Bên cạnh đó, những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Đề án cũng được các cấp Hội Nhà báo phân tích, trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị nhiều giải pháp để góp phần triển khai tốt hơn Chương trình hỗ trợ trong các năm tiếp theo.