11.700 đối tượng truy nã vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật
- Tây Y
- 00:54 - 31/10/2018
Đề cập tới vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Công an: "Quyết định khám xét tiệm vàng và xử phạt của Cần Thơ đúng hay sai?". Đồng thời, Đại biểu Tuấn cũng nêu câu hỏi: Hiện có 11.700 tội phạm truy nã đang sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bộ trưởng Công an cho biết giải pháp căn cơ để chúng ta giảm sự nguy hại đó?
Trả lời đại biểu về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, ngày 30/1 công an TP Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thảo Lực, với hành vi mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê không có giấy phép.
Từ đó, công an thành phố tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm kim loại màu trắng, đá hột và một số tang vật khác. Ông Lực là chủ nhà không trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, không có giấy phép mua bán ngoại tệ
Công an TP Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh vi phạm hành chính và UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt. Hiện Công ty và ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt hành chính, không có khiếu nại gì.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, vụ việc trên gây bức xúc dư luận; dù có quy định xử phạt, nhưng đây là người dân đi đổi chứ không phải cửa hàng chủ động kinh doanh ngoại tệ. Việc khám xét nhà cũng phải đúng quy định, đúng thời gian.
Theo bà Ngân, dù người dân có vi phạm nhưng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, sửa lại quy định xử phạt hành chính cho hợp lý.
"Phạt hành chính mà 6 - 9 tháng sau (kể từ thời điểm khám xét) mới ra quyết định. Bộ Công an, NHNN phải chỉ đạo xem xét vấn đề này; thực hiện đúng pháp luật nhưng cái gì chưa đúng, chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về mối quan tâm của đại biểu Quốc hội về các đối tượng truy nã vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho biết: “Chúng tôi thống kê được trong nhiều năm đối tượng truy nã là trên 11.700 đối tượng. Chúng tôi cho rằng đây là con số rất lớn và cũng nhận thức được để đối tượng truy nã lớn như vậy để hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được ngăn chặn”.
Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận, kết quả điều tra vạch trần tội phạm chưa hoàn thành được, sự thể hiện nghiêm minh của pháp luật chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Cái đó cũng là rất nguy hiểm, phải tập trung để bắt các tội phạm trốn truy nã.
“Về biện pháp, chúng tôi tăng cường quản lý dân cư, cư trú, nắm người, nắm hộ. Vừa qua, lực lượng công an cũng đã làm rất cơ bản, có những cái cách nắm giấy tờ tùy thân để các đối tượng truy nã không lợi dụng được”, ông Lâm nói.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Công an, thông tin tội phạm phải thông báo rộng rãi trong nhân dân để có tin báo tố giác tôi phạm từ dân. Lực lượng công an đều phải phát hiện, thực hiện công tác truy nã tội phạm; Tăng cường hợp tác quốc tế…