11 đời Tổng thống Mỹ đã “chào thua” ông Fidel Castro như thế nào?
- Tây Y
- 21:19 - 28/11/2016
Ông Fidel Castro đã vượt qua hàng trăm nỗ lực lật đổ, ám sát của kẻ thù trong 5 thập kỉ qua để xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa ngay trước ngưỡng cửa nước Mỹ. Sau đây là 11 đời Tổng thống Mỹ đã phải chào thua trước ông Fidel Castro.
Ông Dwight Eisenhower (đảng Cộng hòa, 1953-1961)
Ông Dwight Eisenhower đã ra lệnh cung cấp vũ khí cho nhà độc tài Fulgencio Batista để chống quân cách mạng của ông Fidel. Tuy nhiên, ông Fidel đánh bại và lật đổ chính quyền độc tài Batista vào tháng 1/1959.
Sau đó, năm 1961, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba. Chính quyền của Dwight Eisenhower cũng đã lệnh cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cung cấp vũ khí và huấn luyện cho những người Cuba lưu vong để chuẩn bị tiến hành chiến dịch đổ bộ Vịnh Con Lợn.
Ông Fidel Castro nhảy ra khỏi một chiếc xe tăng khi ông đang trực tiếp chỉ huy chống chiến dịch xâm lược Vịnh Con Lợn do CIA hậu thuẫn.
John F. Kennedy (đảng Dân chủ, 1961-1963)
Ông Kennedy là người “bật đèn xanh” cho cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn vào tháng 4/1961, áp đặt các lệnh cấm vận Cuba vào tháng 2/1962 trước khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra vào tháng Mười năm đó. Ông có kế hoạch “làm lành” với Cuba nhưng chưa kịp thực hiện thì đã bị ám sát vào 11/1963.
Lyndon Johnson (đảng Dân chủ, 1963-1969)
Ông Johnson gia tăng lệnh cấm vận Cuba, ngăn chặn Cuba bán nickel cho các nước Liên Xô cũ. Chính quyền Johnson cũng phê chuẩn các âm mưu ám sát ông Fidel Castro của CIA và viện trợ cho những nhóm du kích chống ông Fidel Castro.
Richard Nixon (đảng Cộng hòa, 1969-1974)
Ông Fidel Castro (người đội mũ hàng trước) trong buổi trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình Mỹ.
Tăng cường các hoạt động chống ông Fidel Castro, bao gồm những vụ bắt giữ ngư dân Cuba. Ngoài ra, ông Nixon cũng tìm cách ngăn Cuba bán nickel cho các nước khác.
Gerald Ford (đảng Cộng hòa, 1974-1977)
Trong thời gian ông Ford nắm quyền, các vụ tấn công nhằm vào các Đại sứ quán Cuba ở nước ngoài gia tăng. Trong thời gian này, CIA bị nghi đã chủ mưu vụ tấn công khủng bố một máy bay của hãng hàng không Cuba, khiến 73 người thiệt mạng vào năm 1976. Nhưng sau đó, chính quyền của ông Ford đã thực hiện các biện pháp nới lỏng cấm vận với Cuba và cho phép các thương nhân Mỹ được tới Cuba.
Jimmy Carter (đảng Dân chủ, 1977-1981)
Tiếp tục nới lỏng các lệnh cấm vận Cuba. Ông mở Văn phòng Lợi ích Hoa Kỳ ở Havana và cho phép những người Cuba lưu vong trở về nhà. Ký hiệp ước biên giới trên biển với Cuba. Ông đến thăm Cuba hai lần vào năm 2002 và 2011 với tư cách là cựu Tổng thống Mỹ.
Ronald Reagan (đảng Cộng hòa, 1981-1989)
Dưới chính quyền của ông Reagan, mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba lại trở nên tồi tệ hơn. Ông Reagan thành lập Tổ chức Quốc gia Cuba - Mỹ, một tổ chức dành cho những người Cuba lưu vong, và đài đài phát thanh và truyền hình chống ông Fidel Castro. Kí thỏa thuận về nhập cư với Cuba vào năm 1984.
George H. W. Bush (đảng Cộng hòa, 1989-1993)
Tăng cường ép Cuba với những làn sóng cấm vận nặng nề bằng Đạo luật Torricelli trong bối cảnh Liên Xô cũ vừa tan vỡ. Các công ty con của Mỹ ở các nước khác cũng bị cấm giao dịch với Cuba.
Bill Clinton (đảng Dân chủ, 1993-2001)
Tiếp tục thi hành Đạo luật Torricelli đồng thời thông qua Đạo luật Helms-Burton, gia tăng cấm vận Cuba. Năm 1994, 36.000 người Cuba đã sang Mỹ. Một thỏa thuận về nhập cư mới với Cuba được kí kết. Ông Clinton ủng hộ những nhà hoạt động chống ông Fidel Castro.
George W. Bush (đảng Cộng hòa, 2001-2009)
Tăng cường viện trợ tài chính cho những tổ chức chống ông Fidel, tăng cường cấm vận. Gia tăng quy định nhằm hạn chế người Cuba lưu vong trở về nước, cấm họ chuyển tiền về cho người thân ở Cuba. Tăng cường kiểm soát biên giới đối với khách lữ hành và hàng hóa giữa 2 nước.
Barack Obama (đảng Dân chủ, 2009 đến nay)
Gỡ bỏ lệnh cấm người Cuba lưu vong trở về nước, hủy bỏ lệnh cấm họ gửi tiền về cho người thân ở Cuba, đồng thời tuyên bố sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba.
Tháng 12/2014, ông Obama và ông Raul Castro (em trai ông Fidel Castro) tuyên bố bình thường thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba. Tháng 7/2015, Mỹ và Cuba tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở cửa đại sứ quán tại thủ đô hai nước. Ông Obama có chuyến thăm lịch sử đến Cuba vào tháng 3/2016. Ông là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến Cuba kể từ năm 1928.
Dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng các lệnh cấm vận vẫn chưa được gỡ bỏ. Ngoại trưởng Cuba Rodriguez từng nói: "Lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn với nền kinh tế của chúng tôi, là trở ngại chính cho quá trình phát triển của chúng tôi. Không có lĩnh vực nào ở Cuba không bị ảnh hưởng bởi hậu quả từ lệnh cấm vận này".