THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:40

10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2016

 

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến 28/1 tại Hà Nội là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm 2016.

Nghị quyết của Đại hội xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2016-2021 về tăng cường xây dựng Đảng, phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

2. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp; kiện toàn bộ máy Nhà nước

Hơn 67 triệu cử tri, chiếm trên 99% số cử tri cả nước đã tham gia bỏ phiếu. Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22/5 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.  

Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, được Quốc Hội bầu giữ chức Chủ tịch nước; Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, được Quốc Hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, được Quốc Hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tich nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 quyết tâm xây dựng một Nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức


3. Đảng thể hiện sự quyết tâm chính trị cao trong việc làm trong sạch đội ngũ

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục khẳng định quyết tâm và đề ra những giải pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Cùng với các vụ đại án được đưa ra xét xử nghiêm minh, 3 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và nhiều tổ chức, cá nhân cao cấp khác bị xử lý kỷ luật do liên quan đến tiêu cực, tham nhũng. Những việc làm này được dư luận hoan nghênh, củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước. 

Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. 


4. Số doanh nghiệp mới thành lập đạt kỷ lục

Thủ tướng Chính phủ chọn năm 2016 là Năm quốc gia khởi nghiệp. Nhờ rất nhiều nỗi lực và quyết tâm, năm 2016 chứng kiến làn sóng doanh nghiệp mới thành lập nhiều và có bước chuyển rõ về chất. Tính đến gần hết tháng 12/2016, có trên 103.000 doanh nghiệp mới thành lập, so với con số 94.700 của năm 2015. Cùng với số doanh nghiệp mới, cả nước có hơn 24.500 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.

Các tổ chức kinh doanh gia nhập thị trường trong không khí khởi nghiệp sôi động bởi cam kết của lãnh đạo đất nước về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ mọi sự phát triển tích cực của doanh nghiệp. Việt Nam cũng tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh trong năm 2016 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nhờ cải thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, tiếp cận điện năng.

Làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, nhiều niềm tin đó sẽ tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2017 và các năm tiếp theo.

 Năm 2016 chứng kiến làn sóng doanh nghiệp mới thành lập nhiều và có bước chuyển rõ về chất


5. Khánh thành Nhà máy thủy điện Lai Châu sớm 1 năm so với kế hoạch

Dự án Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gồm ba tổ máy với tổng công suất 1.200MW; có nhiệm vụ chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ. Công trình hoàn thành sớm một năm so Nghị quyết của Quốc hội đồng nghĩa với việc cung cấp sớm hơn cho hệ thống điện quốc gia gần 4,7 tỷ kW giờ điện, làm lợi cho ngân sách Nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

 Sáng 20/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức khánh thành Thủy điện Lai Châu - công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á

 

6. Tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

Năm 2016, thêm một di sản văn hóa của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (đạo Mẫu) của người Việt, nâng số di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại tại Việt Nam lên con số 11.

Ngoài ra, 2 di sản khác là Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng được UNESCO ghi danh vào Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Khu vục Châu Á - Thái Bình Dương.

Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế 


7. Du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt du khách quốc tế

Ngành du lịch có bước phát triển hết sức ấn tượng: cán mốc 10 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Việt Nam đang khẳng định là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là tiền đề quan trọng để ngành du lịch thực hiện mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020.

 Lễ đón chào vị khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam diễn ra tại Quốc Quốc sáng 25/12/2016


8. Sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở miền Trung

Việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải trái phép các chất độc hại ra biển đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển của các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người dân có sinh kế dựa vào biển.

Đây là bài học đắt giá, hết sức thấm thía về việc lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi môi trường và cuộc sống người dân để lấy lợi ích kinh tế, dù có thể lớn. Các cơ quan chức năng đã và đang xem xét để xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới vụ việc này.

 Cá chết dạt vào bờ biển miền Trung do Formosa xả thải trái phép


9. Thiên tai diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề trong cả nước

Hạn hán, mặn xâm thực ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung bộ nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua khiến hàng chục triệu người bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Hạn hán diễn ra trên phạm vi 70% diện tích canh tác ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.  Nước mặn xâm nhập sâu vào ĐBSCL đến 90km. Điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc Việt Nam.

Vào những ngày cuối năm, mưa lũ liên tiếp tại miền Trung, nhất là nam Trung bộ, gây ngập lụt trên diện rộng, làm gần 100 người chết và mất tích, gần 200.000 ngôi nhà bị ngập. Tổng thiệt hại ước tới gần 10.000 tỉ đồng. 

 Anh Trần Quốc Ninh, thôn Tân An, xã Gia Chim, Kon Tum thẫn thờ bên ruộng lúa đã chết khô (Ảnh chụp tháng 3/2016)


 Trong năm, xẩy ra các vụ cháy kinh hoàng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Thuận, có vụ gây thương vong nhiều người. TNGT tuy giảm đáng kể, nhưng trên cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề. TNGT không chỉ gây ra những hậu quả đau lòng cho chính người gặp nạn mà còn để lại hệ lụy đối với gia đình cũng như gánh nặng cho toàn xã hội.

Nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng trước những thông tin lập lờ, sai sự thật 


Công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) vềnước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định, nhưng mập mờ không nói rõ là thạch tín hữu cơ hay vô cơ đã được nhiều cơ quan báo chí đăng tải, gây lo lắng, bức xúc cho xã hội. Cơ quan chức năng xác minh đây là những thông tin sai sự thật và có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Vụ việc được coi là một “chiến dịch truyền thông “bẩn” nhằm đẩy ngành sản xuất nước mắm truyền thống vào thế khốn khó.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh