CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:13

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2015

Động đất kinh hoàng tại Nepal

Trận dộng đất mạnh khoảng 7,8 độ Ricter tại thủ đô Kathmandu (Nepal), ngày 25/4 đã cướp đi sinh mạng hơn 8.000 người và làm khoảng 18.000 người khác bị thương. Liên hợp quốc ước tính có 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất này, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực.

Thảm họa giẫm đạp ở Mecca

Khoảng hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng xảy ra ngày 24/9 tại lễ hành hương thường niên của người Hồi giáo ở Arab Saudi. Vụ giẫm đạp xảy ra ở Mina, cách thành phố thánh địa Mecca của Arab Saudi 5 km, khi khoảng 2 triệu người tập trung ở đây để tham gia lễ hành hương thường niên Hajj. Đây là vụ giẫm đạp có hậu quả nghiêm trọng nhất trong lễ hành hương Hajj kể từ năm 1990, khi đó hơn 1.400 người thiệt mạng.

Trung Quốc xây dựng đảo trái phép trên các bãi đá ngầm.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, theo đường 9 đoạn mà nước này tự đặt ra. Bắc Kinh luôn cố tìm cách chứng minh cho tuyên bố của mình bằng việc xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên chính các bãi đá ngầm. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn xây đường băng và các cơ sở quân sự ngay trên những hòn đảo mới hình thành đó.

Mỹ không có vị trí gì trong việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, song Washington khẳng định luận điệu và hành động của Bắc Kinh ở khu vực này là hoàn toàn đi ngược với luật pháp quốc tế.

Thỏa thuận COP 21

Ngày 12/12, tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), đại diện của 196 bên tham gia đã chính thức thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của trái đất, với mục tiêu quan trọng nhất là giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp cuối thế kỷ 19, đồng thời kèm theo khuyến nghị quyết tâm đạt được mức 1,5 độ C.

Cuộc chiến Syria ngày càng khốc liệt

Cuộc chiến tại Syria không còn bó hẹp trong khuôn khổ một cuộc nội chiến giữa phe nổi dậy và chính phủ, mà còn kéo theo hệ quả địa chính trị rộng lớn hơn, với sự tham gia của các cường quốc, bao gồm Nga, Mỹ và liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gồm hàng chục quốc gia và nhiều nhóm vũ trang đối lập khác. Ngày 30/9/2015, Nga tiến hành đợt không kích đầu tiên tại chiến trường Syria, làm thay đổi cục diện cuộc chiến, nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời làm lu mờ vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Sau 5 năm đàm phán kéo dài, TTP đã “về đích”.

TPP đã đạt được thỏa thuận lịch sử

Sau 7 năm đàm phán, Mỹ và 11 quốc gia cuối cùng đã đạt được thỏa thuận  Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tháng 10/2015. Đây là Hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử thế giới, bởi TPP là một phần quan trọng của chính sách tái cân bằng châu Á của chính quyền Tổng thống Obama, có thể tạo ra các quy định thương mại kiểm soát tới 40% giá trị kinh tế toàn cầu.

Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Quyền xúc tiến thương mại (TPA). Giờ đây ông Obama đã có TPP, ông phải thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật để TPP có thể đi vào hiện thực. Các nhà chỉ trích đã soạn sẵn những lập luận tại sao Quốc hội không nên thông qua việc áp dụng TPP. Việc bỏ phiếu để giúp TPP chính thức có hiệu lực có thể sẽ phải lùi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2016.

IS bành trướng hoạt động

IS đã mở rộng mạng lưới hoạt động với nhiều nhánh và phần tử tham gia ở khắp nơi trên thế giới. Căn cứ hoạt động tại Syria không chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria và Iraq mà còn vươn sang Libya, Ai Cập, Nigeria và nhiều khu vực khác tại châu Phi. Những nhóm thánh chiến thề trung thành với IS thì trải dài hoạt động tới Afghanistan, Indonesia, Pakistan, Algeria, Malaysia, Philippines…

IS đã nhận trách nhiệm gây ra hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu tại nhiều khu vực trên thế giới như 6 vụ khủng bố liên hoàn tối 13/11 làm rung chuyển thủ đô Paris nước Pháp, cướp đi sinh mạng của 130 người, đặt bom gây ra vụ rơi máy bay Nga thảm khốc ở Ai Cập ngày 31/10 làm 224 người chết, hay vụ xả súng ở California ngày 3/12 khiến nước Mỹ bàng hoàng.

Các nhóm khủng bố nguy hiểm khác như al-Qaeda, mặt trận Al-Nusra, Boko Haram… cũng đã gây ra hàng loạt các vụ tấn công kinh hoàng ở Yemen, Nigeria, Iraq, Afghanistan, Lebanon…Không chỉ hoạt động tại các điểm nóng Trung Đông hay tấn công nhằm vào các quốc gia phương Tây, năm 2015 chủ nghĩa cực đoan đã gõ cửa châu Á. Điển hình là vụ phiến quân Duy Ngô Nhĩ đánh bom ngôi đền Erawan, trung tâm thủ đô Bangkok (Thái Lan) khiến 20 người thiệt mạng và 80 người khác bị thương.

Người nhập cư biểu tình, dâng cao biểu ngữ “Xin hãy giúp tôi”.

Châu Âu khủng khoảng  nhập cư

Năm 2015, châu Âu lâm vào cuộc khủng khoảng người tị nạn, với làn sóng gần 1 triệu người tị nạn ồ ạt kéo đến các quốc gia châu Âu trong bối cảnh lục địa này đang chật vật để thoát khỏi suy thoái kinh tế. Đa số những người tị nạn là người Syria muốn thoát khỏi cuộc nội chiến. Tuy nhiên, cũng có nhiều người di cư muốn tìm đến châu Âu để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong khi các lãnh đạo châu Âu chia rẽ và “tê liệt” trước cuộc khủng hoảng người tị nạn, thì Đức đã có một động thái tiên phong. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến thế giới ngạc nhiên khi bất ngờ tuyên bố hoan nghênh tất cả người tị nạn Syria. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9/2015 đã tuyên bố nhận “ít nhất 10.000 dân tị nạn Syria” vào năm 2016.

Nhưng sau vụ tấn công ở Paris và California, Mỹ và các nước phương Tây phải cân nhắc lại chính sách nhận người nhập cư Hồi giáo do lo ngại các phần tử cực đoan và khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn.

Người Pháp tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố.

Khủng bố rúng động nước Pháp

Những ngày đầu tiên của năm 2015, thủ đô Paris của Pháp rung chuyển với vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo. Cuộc tấn công là đòn trả thù sau khi tạp chí đăng hình châm biếm Nhà tiên tri Muhammad - nhân vật được người theo đạo Hồi sùng bái. Tay súng được xem là có liên quan tới phần tử Yemen của Al-Qaeda đã giết chết 10 nhân viên tạp chí và 2 sĩ quan cảnh sát.Thứ 6, ngày 13/11, Paris lại hứng chịu một vụ tấn công khủng bố liên hoàn khác. Có ít nhất 3 vụ nổ riêng biệt và 6 vụ nổ súng được ghi nhận. Vụ tấn công đã khiến ít nhất 132 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương. Vụ việc đã giáng đòn mạnh lên toàn nước Pháp. Tổng thống Franois Hollande đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào đóng cửa biên giới toàn bộ nước Pháp, lần đầu tiên kể từ năm 1944.

Một ngày sau vụ khủng bố, IS lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tổng thống Pháp gọi đây là một hành động chiến tranh, đồng thời tuyên bố đáp trả IS trên mọi lãnh thổ, bằng việc điều tàu sân bay tăng sức mạnh quân sự của Pháp nhằm tiêu diệt phiến quân IS tại Trung Đông.

Quan hệ Mỹ - Cuba cải thiện

Ngày 20/7, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, Quốc kỳ của Cuba lại tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington và trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, bên cạnh Quốc kỳ những nước mà Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tại thủ đô La Habana, Đại sứ quán Mỹ cũng mở cửa trở lại trong buổi lễ có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba. Đây là bước đi cho thấy sự tan băng trong mối quan hệ giữa hai nước, một động thái đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro khởi xướng hồi cuối năm 2014.

DUY ANH (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh