THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:42

Điều chỉnh Bộ luật Lao động giúp thị trường lao động vận hành minh bạch

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp

 

Tham dự cuộc họp còn có các Thứ trưởng: Doãn Mậu Diệp, Lê Quân; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án.

Sửa đổi toàn diện Bộ Luật Lao động

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 57/2018/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10/2019). 

Ngày 28/6/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 792/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 01/2019.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là Bộ Luật lớn có tác động sâu rộng đến xã hội, nhất là các nội dung của Bộ Luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Lần sửa đổi này nhằm chuyển đổi toàn diện Bộ Luật, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Ban chấp hành TW Đảng, Bộ Chính trị; phù hợp Hiến pháp 2013; đảm bảo sự đồng bộ các Luật đã được ban hành; đồng thời giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế thị trường lao động…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đây là Bộ Luật lớn có tác động sâu rộng đến xã hội, nhất là các nội dung của Bộ Luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động

 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết 10 nội dung lớn được điều chỉnh trong dự thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Các nhóm nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần làm rõ bao gồm: các nội dung về hợp đồng lao động; làm thêm giờ; Tiền lương tối thiểu và các chính sách Tiền lương (thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ); Tuổi nghỉ hưu (thực hiện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ); Thẩm quyền của Thanh tra lao động; Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; Vấn đề đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể trong bối cảnh nhiều tổ chức đại diện; Vấn đề giải quyết tranh chấp lao động - đình công; Những sửa đổi, bổ sung khác để đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Từ 2021, tuổi hưu nam, nữ mỗi năm tăng 3- 4 tháng 

Theo đó, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động (NLĐ) nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong tuyển dụng và sử dụng lao động; quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho NLĐ. Về làm thêm giờ, dự án dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp báo cáo tiến độ và các nội dung cơ bản của Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

 

“Việc tăng số giờ làm thêm trong một năm để đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, là trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế người lao động có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập” – Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh.

Và, khi mở rộng khung thời gian được phép làm thêm thì cần bảo đảm quyền tự quyết của người lao động khi tham gia vào hoạt động này.

Tiền lương tối thiểu và chính sách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết số 27 của Trung ương. Theo đó, tiếp tục thể chế tiền lương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự cho người sử dụng lao động và người lao động trong trả lương.

Tuổi nghỉ hưu cũng được điều chỉnh thực hiện theo Nghị quyết số 28 của Trung ương. Theo đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động đến thị trường lao động. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu cũng phải đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; cân đối Quỹ Bảo hiểm trong dài hạn; thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.

Đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Dự kiến, từ 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Dự thảo Bộ luật Lao động cũng bổ sung thẩm quyền thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người lao động tại nơi làm việc và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý nhà nước về lao động, đảm bảo tính răn đe, phòng, ngừa, hành vi vi phạm pháp luật lao động và phù hợp với công ước số 81 năm 1947 của Tổ chức Lao động quốc tế về Thanh tra lao động.

Bộ luật Lao động sửa đổi dự kiến khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên lao động có quyền thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước.

 

Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án tham gia đóng góp ý kiến


Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho ý kiến, đồng thuận cao với các nội dung sửa đổi trong dự Luật

 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về Tiến độ soạn thảo; Định hướng xây dựng chính sách đã được Bộ LĐ-TBXH đề xuất trong hồ sơ đề nghị Bộ Luật Lao động (sửa đổi); Các nội dung trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và các nội dung khác có liên quan.

Bày tỏ đồng thuận cao với các nội dung sửa đổi trong dự thảo, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nêu ý kiến, dự thảo cần phải mang tầm nhìn, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, và tác động của CMCN 4.0. “Môi trường số, trí tuệ nhân tạo, người máy, rồi Lao động, hợp đồng, tiền lương, tranh chấp lao động… trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn các kế hoạch của chúng ta, do đó phải có tầm nhìn xa để đánh giá tác động của CMCN 4.0, nếu ko sẽ tụt hậu trong cả vấn đề lập pháp”, vị đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nói. 

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động là công việc nặng nhọc, khó khăn và đầy thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án. Các thành viên cần nêu cao tinh thần làm việc, cụ thể hóa được tư tưởng và tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, tinh thần Hiến pháp và các Nghị quyết của Quốc hội. Từ đó tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, giúp thị trường lao động vận hành minh bạch, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo hội nhập quốc tế…

Bên cạnh đó, việc sửa đổi cần tính toán được sự ảnh hưởng, cố gắng hạn chế sự thay đổi các Luật liên quan. Về nội dung, cần xác định đây là lần sửa đổi cơ bản và toàn diện Bộ Luật, do vậy cần nghiên cứu kỹ các nội dung, cốt lõi tập trung vào các nhóm nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động cần sửa đổi.

Về công tác tuyên truyền, Bộ trưởng đề nghị cơ quan thường trực xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng, có định hướng và trọng tâm nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội. Trên cơ cở các ý kiến đóng góp của cuộc họp lần thứ nhất này, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động, bố trí làm việc với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan; lắng nghe các nghiệp đoàn, các nhà đầu tư lớn; lấy thêm ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Bộ Luật được toàn diện.

 

Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 9/2018, sẽ họp Ban soạn thảo và tổ biên tập, hội thảo tham vấn lấy ý kiến hoàn thiện tài liệu trong hồ sơ Dự án Bộ luật Lao động.

Tháng 9/2018, đăng website và lấy ý kiến chính thức giao cho các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương.

Tháng 11/2018, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Tháng 1, 2/2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tháng 3/2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tháng 5/2019 trình Quốc hội cho ý kiến

Tháng 6- 8/2019 tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Tháng 10/2019 trình Quốc hội thông qua.

Bài: Thanh Nhung - Ảnh: Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh