THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:23

Thừa Thiên-Huế: Hàng quán phải di dời liên tục vì bờ biển sạt lở nghiêm trọng

Bờ biển tại bãi tắm Vinh Thanh bị sạt lở nghiêm trọng

Sau đợt mưa lũ vừa rồi, hơn 200m đường bờ biển tại bãi tắm Vinh Thanh bị sạt lở sâu vào đất liền khoảng 10m. Con đường bê tông để dành cho du khách đi bộ khi mới làm nằm cách mặt nước mấy chục mét, nay đã bị cuốn trôi. Các hàng quán ở đây cũng tiệm cận với việc bị sóng biển nhấn chìm. Thậm chí, ở phía có rừng phòng hộ, một số cây phi lao cũng bị sóng biển đánh lộ rễ, bị sập xuống gần mặt nước. Một số trụ điện cũng đã bị đánh sập, nằm ngổn ngang trên bãi cát,...

Sóng biển cũng tạo nhiều hàm ếch, khoét sâu dưới chân đường tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Chúng tôi về bãi tắm biển Vinh Thanh đúng thời điểm gia đình ông Trần Văn Tri (sinh năm 1968) cùng một số gia đình khác đang gấp rút hoàn thành việc di dời, sửa chữa lại hàng quán để bán trong dịp tết Nguyên đán và mùa tắm biển sắp tới. Ông Tri cho biết, bãi tắm biển Vinh Thanh được thành lập vào năm 2007 dựa trên cơ sở bãi biển tự nhiên nằm ở thôn 2, xã Vinh Thanh.

Tại bãi tắm này có 10 hàng quán được xây dựng trên các lô mà người dân Vinh Thanh đấu trúng từ chính quyền địa phương. “Khi mới ra đây mở hàng quán để buôn bán thì chúng tôi thấy khá an toàn vì đường bờ biển nằm cách đến cả 100m, nhưng nay do sạt lở liên tục nên bờ biển chỉ còn cách khu hàng quán vài mét đến vài chục mét. Từ khi mở quán đến nay, riêng quán của tôi đã phải di dời 3 lần. Trong suốt 10 năm qua, mỗi năm, bờ biển ở đây bị sạt lở từ 5 – 10m, nhất là trong năm nay, tình trạng sạt lở bờ biển xảy ra rất nghiêm trọng”, ông Tri cho biết.

“Đầu năm, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, lượng khách đến với bãi tắm Vinh Thanh đã sụt giảm mạnh, thậm chí có thời điểm không có khách. Giờ, bờ biển lại sạt lở sâu và nghiêm trọng thế này nên việc kinh doanh của các chủ quán ở đây càng thêm phần khó khăn. Khách Tây đến thấy bờ biển sạt lở nguy hiểm, họ cũng không dám ngồi mà bỏ đi luôn. Tiền đấu thầu ở đây mỗi một năm là 130 triệu đồng đối với các lô mặt tiền, còn các lô ở phía trong cũng từ 50 – 70 triệu đồng. Nếu hàng quán cứ ế ẩm thế này, chúng tôi cũng không biết lấy tiền đâu mà nộp cho Nhà nước, rồi còn vốn liếng bỏ ra nữa”, theo lời chị Thúy Hằng, chủ quán Thuận Thành.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho biết, hàng năm, cứ vào mùa mưa lũ là tình trạng sạt lở đường bờ biển tại xã Vinh Thanh lại xảy ra. Năm nay, do tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp nên nên sạt lở bờ biển tại khu vực bãi tắm Vinh Thanh rất nghiêm trọng. Trong vòng 10 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển, xâm thực sâu vao đất liền khoảng 60 – 70m.

“Năm nào chúng địa phương cũng đầu tư một nguồn kinh phí nhất định để làm đê bao, kè chắn sóng. Đầu năm 2016 UBND huyện Phú Vang cùng xã đầu tư 250 triệu đồng chỉnh trang lại tuyến đường, sử dụng nhiều bao tải cát gia cố điểm bị sạt lở, xâm thực. Tuy nhiên do chỉ là giải pháp tạm thời nên công dụng cũng không được cao lắm, do đó tình trạng sạt lở bờ biển, biển xâm thực đất liền vẫn cứ xảy ra. Về lâu dài, chúng tôi đã đề xuất huyện, tỉnh cần có phương án che chắn, làm kè bảo vệ kiên cố. Nếu không, sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra”, ông Chính cho hay.

Về việc các hàng quán kinh doanh tại bãi tắm Vinh Thanh bị ảnh hưởng do sạt lở bờ biển, ông Chính cũng cho biết đã đề nghị huyện Phú Vang cho dịch lui các lô quán vào phía trong đất liền nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và du khách.

Tình trạng sạt lở đường bờ biển tại Thừa Thiên Huế trong những năm qua xảy ra liên tục và nghiêm trọng. Mới đây, tại xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) tiếp tục xảy ra. Đây là một trong những điểm nóng về sạt lở bờ biển, biển xâm thực tại Thừa Thiên-Huế. Chỉ từ tháng 10/2016 đến nay, biển đã xâm thực vào đất liền ở địa phương này từ  20 - 25m, trên chiều dài gần 3km bờ biển. Được biết, bờ biển xã Vinh Hải dài khoảng 4km, mỗi năm chính quyền địa phương đều tổ chức trồng mới từ 70.000 - 100.000 cây phi lao ven bờ để chắn sóng gió nhưng đều bị sóng biển cuốn trôi. 

Một số hình ảnh sạt lở bờ biển tại xã Vinh Thanh: 

Ông Trần Văn Tri cho biết con đường bê tông trên bãi tắm Vinh Thanh bị sóng biển đánh sập mấy hôm trước.

Chiều dài của bờ biển bị sạt lở ở khu vực này khoảng hơn 200m

Mỗi năm biển xâm thực sâu vào đất liền từ 5 - 10m. Trong đợt sạt lở vừa qua, bờ biển đã "ăn" vào đến giếng nước của hàng quán gia đình ông Tri

Ở một số địa điểm, độ cao đường sạt lở lên đến từ 3 - 4m.

Nhiều hàng quán vốn an toàn nay chỉ cần một cơn sóng dữ nữa thì rất có thể sẽ bị cuốn phăng ra biển.

Theo ông Tri thì vị trí này từng là nơi đặt hàng quán của gia đình ông.

Cột của một hàng quán bị lộ gốc do bờ biển "ăn" sâu vào đất liền.

Nhiều hàm ếch nguy hiểm, khoét sâu vào đường bờ biển và trực chờ sạt lở tiếp tục bất cứ lúc nào.

Một cây phi lao bị sập xuống bên dưới bãi biển.

Một gốc cây khác bị bật rễ, đổ nghiêng nên phải cưa bỏ

Cột điện chiếu sáng bãi biển cũng bị cuốn sập.

Người dân đang gấp rút hoàn thành việc di dời, tu sửa lại quán để đón khách trong dịp tết sắp tới. Tuy nhiên, họ rất lo việc kinh doanh có thể bị ế ẩm do tình trạng biển xâm thực, bờ biển sạt lở lấn sâu vào đất liền gây nguy hiểm ngày càng nghiêm trọng.

Sự biến động của thời tiết trên toàn cầu đang ngày càng đe dọa đến tương lai của con người, trong đó tình trạng xâm thực của nước biển ảnh hướng khá lớn đến đời sống dân sinh của người dân ở nhiều địa phương vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh