THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:55

10 "bông hồng quân y" lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

 

Trước ngày lên đường, các nữ chiến sĩ “mũ nồi xanh” đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng, quận 4, TP HCM

Sáng 1/10, Bộ Quốc phòng đã tổ chức trọng thể lễ xuất quân BV Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDCC 2.1) lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nam Sudan. 

Tạm gác việc nhà, lo việc nước

Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, 63 chiến sĩ “mũ nồi xanh” đã trải qua quá trình rèn luyện gian khổ về chuyên môn, tiếng Anh, triển khai huấn luyện các kỹ năng tự bảo vệ, sinh tồn, đối ngoại quốc phòng… Nói về các nữ chiến sỹ quân y tham gia BVDC, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Ban đầu số nhân sự nữ của bệnh viện chỉ có 5 người, nhưng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cả Phái bộ Liên hợp quốc lẫn người dân bản địa, chủ yếu là những người theo đạo Hồi nên Liên hợp quốc yêu cầu tăng thêm số nhân sự nữ trong cơ cấu BVDC. Việc tìm nhân sự nữ tham gia BVDC rất khó khăn bởi đa số chị em vướng bận việc gia đình, cộng với thời tiết, điều kiện làm việc khắc nghiệt ở châu Phi nên nhiều người e dè... Thậm chí, trong quá trình huấn luyện cũng dần “rơi rụng” nhiều vị trí với những lý do sức khỏe, sinh con… buộc Ban lãnh đạo phải bổ sung người mới. “Trong số 10 nữ quân y hiện nay có 4 người đã có gia đình, con nhỏ. Họ phải tạm gác lại việc nhà, tình riêng để lo việc nước, điều này là vô cùng đáng trân trọng”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Chị cả của 10 bông hồng quân y là Thiếu tá chuyên nghiệp Bùi Thị Xoa (43 tuổi, quê Hải Dương), điều dưỡng của BVDCC2.1 kể, khi nhận nhiệm vụ, chị vừa vui mừng, vinh dự xen với lo lắng bởi con trai đang tuổi lớn, cần sự quan tâm của mẹ. Ngoài ra, chị cũng đã lớn tuổi, vốn tiếng Anh chỉ bập bẹ, sợ không đáp ứng nổi yêu cầu được giao. Thời gian đầu, mỗi ngày chị phải chạy xe máy từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) lên BV Quân y 175 để tập luyện. Không ít lần chứng kiến TNGT trên đường và mặc dù ở bệnh viện có bố trí chỗ ở cho cả đội nhưng chị vẫn muốn về nhà, đôn đốc con học tập. Vậy là vợ chồng chị bàn bạc bán nhà, lên TP HCM sống để chị thuận tiện theo đuổi lịch huấn luyện. Chồng chị cũng chuyển công tác lên cùng vợ. Sau gần 4 năm nỗ lực học tiếng Anh cũng như trải qua các khóa huấn luyện cùng với các đồng đội, chị đã sẵn sàng cho ngày nhận nhiệm vụ. Trước thời khắc xa quê hương đến đất nước Nam Sudan xa xôi nhận nhiệm vụ, chị Xoa chia sẻ: “Dù không tận mắt chứng kiến những khó khăn, khắc nghiệt thiếu thốn của nước bạn nhưng theo dõi những thước phim tư liệu và nghe những người đàn anh từng thực hiện nhiệm vụ tình nguyện chia sẻ, chúng tôi cảm nhận nhiệm vụ của mình rất ý nghĩa, không phải ai cũng được giao”.

Thiếu tá Bùi Thị Xoa đang tập huấn cấp cứu cho bệnh nhân

Ngoài thời gian tập luyện, chị Xoa cùng các nữ quân y thường ca hát, tập các tiết mục dân ca thậm chí tập đổ bánh xèo để thết đãi bạn bè quốc tế… Hành trang của mỗi người lên đường làm nhiệm vụ là mấy bộ áo dài in hình trống đồng, hoa sen, cô Ba Sài Gòn, áo tứ thân. Chị mong muốn ngoài chuyên môn, 10 bông hồng quân y sẽ để lại hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế về người phụ nữ Việt Nam đảm đang, duyên dáng.

Còn gì hơn được là người tiên phong

Trước giờ lên đường, “em út” của BVDCC 2.1, Thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thị Thùy, Điều dưỡng trưởng khoa của Khoa Ngoại 1 BVDC2.1 (25 tuổi, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định), không khỏi chạnh lòng, mắt chực khóc khi ba mẹ vắng mặt. “Khi mới nhận quyết định tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình, bố mẹ tôi rất lo lắng, chỉ sợ tôi không chịu nổi cực khổ. Nhưng khi biết được quyết tâm của tôi, bố mẹ rất tự hào và ủng hộ tôi phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bố mẹ tôi lớn tuổi rồi, nên không thể vào Nam dự lễ xuất quân”, Thùy chia sẻ.

Thiếu úy trẻ cho biết, tham gia lực lượng BVDC, cô đã học được rất nhiều kỹ năng sinh tồn, cần thiết cả trong cuộc sống hàng ngày. “Chúng tôi đều phải trải qua những bài kiểm tra nghiêm ngặt về kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi như tìm nước, tìm lửa, tìm phương hướng, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của Phái bộ, nhận diện bom, mìn, đào hầm trú ẩn… Bên cạnh việc huấn luyện về chuyên môn quân sự, chuyên môn quân y gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tiếng Anh, chúng tôi cũng được học những bộ môn nghệ thuật, những món ăn truyền thống của Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế”, Thùy kể.

Trong số 10 bông hồng quân y xuất quân lần này, chị Phạm Thị Thu Trang (39 tuổi, quê Quảng Bình) có hoàn cảnh đặc biệt. Là mẹ đơn thân, những ngày tập trung huấn luyện, chị Trang phải gửi con gái 9 tuổi cho ông bà ngoại chăm nom, nay con đã hơn 12 tuổi. Thời gian đầu xa con, nhiều đêm không ngủ nổi nhưng chị phải cố gắng vượt qua vì nhiệm vụ. “Là những người tiên phong làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ, tôi đã hình dung sẽ gặp nhiều vất vả, khó khăn nhưng chắc chắn đó cũng sẽ là những trải nghiệm ý nghĩa không dễ gì có được trong đời. Dù khó khăn vất vả thế nào, tôi cũng sẽ vượt qua, để luôn là niềm tự hào của cô con gái nhỏ và của bố mẹ tôi”, chị Trang nói. 

Theo baogiaothong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh