1 triệu thanh niên Nhật tách khỏi cuộc sống thực vì hội chứng "giam mình"
- Tây Y
- 23:29 - 14/07/2015
Chàng trai 18 tuổi sống tại thủ đô Tokyo bắt đầu khóa tuổi xuân trong phòng ngủ cách đây 3 năm. Buổi sáng của Yuto dành cho việc ngủ. Đêm đến là thời gian để cậu lướt web và đọc truyện manga.
Yuto Onishi trong thế giới riêng của sự an toàn mà cậu dựng lên tại phòng ngủ của mình. Bên trong bốn bức tường, lịch sinh hoạt của chàng trai trẻ chỉ có ăn, ngủ, lướt web và đọc truyện manga. Ảnh: ABC.
Cuộc đời khép kín với Yuto sau khi cậu trượt cuộc bỏ phiếu bầu lớp trưởng ở trường phổ thông. Cảm thấy hổ thẹn và quá sức vì kỳ vọng của gia đình, Yuto nhốt mình trong phòng ngủ, chỉ thỉnh thoảng ra ngoài lấy thức ăn. “Một khi quẩn quanh với bốn bức tường, bạn đã đánh mất thực tại. Dù biết đang làm những việc thật bất thường nhưng tôi không muốn thay đổi. Tôi cảm thấy an toàn khi được ở đây”, Yuto tâm sự.
Yuto là một trong số gần một triệu người Nhật được gọi là “thế hệ lạc lối” hay “những thanh niên vô hình”. Không phải lười nhác, những người này mắc hội chứng Hikikomori, được xem là một khủng hoảng xã hội và sức khỏe của xứ sở hoa anh đào.
Những người mắc phải hội chứng Hikokomori được ví như “thế hệ mất tích” hay “những thanh niên vô hình”. Nhiều người đăng video quay chính mình lên mạng. Ảnh: Youtube.
Những nguyên nhân khởi phát Hikikomori như trường hợp Yuto là khá phổ biến. Loay hoay trong áp lực thể hiện mình tại trường lớp hay sự nghiệp, họ chọn cách rời xa thế giới thực để đối phó với thất bại và xấu hổ.
Theo định nghĩa của Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, mắc Hikikomori là người không tham gia vào các hoạt động xã hội, chủ yếu là làm việc và học tập. Họ không có bất kỳ mối quan hệ gần gũi nào bên ngoài gia đình. Người Hikimomori biểu hiện sự xa lánh xã hội, từ chối giao tiếp kể cả với người nhà và giam mình trong phòng một thời gian dài, có trường hợp lên tới nhiều năm. Đáng nói là Hikikomori chủ yếu xảy ra ở nhóm thanh niên, chủ yếu nam - giới lẽ ra đang có những đóng góp nhiều nhất cho xã hội.
“Tôi vô cùng lo lắng vì hiện tới khoảng 1% dân số có biểu hiện rút lui khỏi xã hội vì Hikikomori hoặc các tình trạng tương tự. Đa số bệnh nhân đối diện hội chứng này sau khi tốt nghiệp đại học nên hậu quả lên nền kinh tế là hết sức nặng nề. Nhiều bệnh nhân là sinh viên các trường đại học danh tiếng. Hikikomori là bi kịch với cuộc đời họ”, Tiến sĩ Takahiro Kato bày tỏ lo ngại.
Tiến sĩ Kato là một trong số ít những chuyên gia về hội chứng Hikikomori ở Nhật. Từng mắc Hikikomori lúc còn sinh viên, ông đang dồn tâm sức nghiên cứu để ngăn những tác động lan truyền của hội chứng này sang thế hệ tiếp theo. Trong thời gian nghiên cứu hội chứng đang làm đau đầu giới tâm lý học, tiến sĩ Tako từng gặp phải nhiều ca nghiêm trọng. Ông kể, có người đàn ông 50 tuổi đã sống cuộc đời biệt lập suốt ba thập kỷ đằng đẵng.
Văn hóa phương Đông là một trong những nhân tố góp phần dẫn tới hội chứng này. “Văn hóa Nhật rất khác biệt với phương Tây. Cha mẹ Nhật thường có xu hướng bảo bọc con thái quá. Do đó, nhiều người gặp khó khăn để sống độc lập”, tiến sĩ Kato nhận định. Nhiều trường hợp khi con cái giam mình trong phòng, các phụ huynh thường không có phản ứng dứt khoát hay những cuộc chuyện trò để thấu hiểu. Bệnh nhân Hikikomori thường sống cùng cha mẹ và không cần lo lắng gì về mặt tài chính. Có trường hợp cha mẹ còn mang cơm đến tận cửa phòng cho con và tự nhủ tình trạng này sẽ chấm dứt sau vài ngày.
“Đó là lý do vì sao Nhật Bản lại có nhiều bệnh nhân Hikikomori so với phương Tây”, tiến sĩ Kato kết luận. Tiến sĩ Tako cũng tin rằng môi trường sống là một nhân tố khác liên quan. Ông cho biết, hầu hết ca bệnh xuất phát từ tầng lớp trung lưu, rất hiếm khi người bệnh thuộc gia đình nghèo khó.
Lý giải nguyên nhân Hikikomori chủ yếu tấn công nam giới, tiến sĩ Tako cho biết, đàn ông Nhật thường đứng trước nhiều áp lực: Học tốt ở phổ thông, đỗ vào những đại học danh giá, tìm việc làm ở công ty lớn… Nhiều người cảm thấy đuối sức trước những kỳ vọng nối tiếp nhau ở từng mốc cuộc đời và trốn chạy vào cái bóng an toàn họ tự dựng lên trong gian phòng chật chội.
Tiến sĩ Kato cùng các đồng nghiệp trong Khoa Thần kinh - tâm thần học của ĐH Kyushu làm việc tại một trung tâm điều trị ở thành phố Fukuoka, cách Tokyo 900 km về phía đông nam. Trung tâm nhỏ với biển đề dòng chữ mang nghĩa “Ổn rồi, đừng lo lắng”. thường tiếp nhận những cuộc gọi từ người Hikikomori “ẩn dật” và các phụ huynh.
Tại đây, các bệnh nhân sẽ được điều trị bước đầu bằng cách xây dựng lại các kỹ năng giao tiếp và từng bước được giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng. “Cách tiếp cận chính là trị liệu tâm lý, đặc biệt là theo nhóm bởi nhiều bệnh nhân đã không giao tiếp khá lâu nên cần phải làm quen lại với giao tiếp nhóm”, tiến sĩ Kato nói.
Nhóm nghiên cứu của ông tập trung vào những nhân tố cả về xã hội và sinh học ảnh hưởng tới Hikikomori, tiến tới hình thành một “chẩn đoán đa phương diện”. Theo ông, hầu hết các nghiên cứu tới nay mới tập trung vào khía cạnh tâm lý, song Hikikomori không đơn thuần là chứng bệnh thần kinh. Nhóm cũng kỳ vọng sẽ xây dựng thành công một phương pháp dự báo sớm nguy cơ mắc bệnh cho cộng đồng.