THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:25

Tăng cơ hội thụ hưởng y tế chất lượng cao cho người dân vùng sâu, vùng xa

 

Hội nghị y học từ xa Châu Á lần thứ 10 là một trong những Hội nghị khoa học uy tín nhất của Châu Á, được tổ chức luân phiên hàng năm tại một quốc gia trong khu vực. Hội nghị với các hoạt động chính như: giáo dục y tế từ xa; chăm sóc bệnh nhân từ xa; phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y học từ xa; diễn đàn cho chương trình trao đổi quốc tế… Hiện nay đã có 57 nước với hơn 500 bệnh viện tham gia vào hệ thống y học từ xa.

Đây là lần đầu tiên sự kiện khoa học quan trọng này được tổ chức tại Việt Nam với 450 đại biểu tham dự đến từ 22 quốc gia trên thế giới, có 37 bài báo cáo bằng tiếng Anh. Hội nghị kết nối các điểm cầu của 15 nước Châu Á (trong đó Việt Nam có 7 trong điểm cầu: Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh).

Với quy mô và sức lan toả rộng lớn, Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các nhà quản lý trong lĩnh vực Ngoại khoa, Phẫu thuật nội soi - Nội soi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyên ngành, đồng thời có điều kiện trao đổi trực tuyến với các chuyên gia ở 15 Trung tâm y học tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, Hội nghị có chủ đề Điều dưỡng trong ngoại khoa, nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của công tác điều dưỡng, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành Ngoại khoa Việt Nam.

 

Các bác sĩ Bệnh viện 175 (TP. HCM) hội chẩn từ xa bằng hình thức trực tuyến với trạm y tế xã đảo Trường Sa

 

Những năm qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin- truyền thông, các giải pháp y tế từ xa (telemedicine) trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc, cho phép truyền tức khắc những thông tin không chỉ ở dạng lời nói, văn bản hoặc hình ảnh tĩnh mà còn có cả những hình ảnh động cùng âm thanh chuẩn theo thời gian thực như hình ảnh siêu âm, chụp CT, cộng hưởng từ, điện tâm đồ, não đồ, hình ảnh nội soi, đo nhịp tim… Qua đó, không chỉ bảo đảm truyền tải các thông tin về lịch sử khám chữa bệnh của mỗi bệnh nhân mà còn cung cấp tức thời các số liệu mới nhất về lâm sàng cũng như cho phép tư vấn trực tuyến trong công việc khám và chữa bệnh từ bệnh viện tuyến cuối. Y tế từ xa đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ưu điểm của dịch vụ y tế từ xa là khả năng xóa nhòa khoảng cách về địa lý, giao thông dựa trên việc ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại. Một bác sĩ có thể thăm khám, tư vấn cho một bệnh nhân cách mình hàng trăm, hàng nghìn cây số. Bằng các dữ liệu điện tử, chỉ cần nhấp chuột là bác sĩ đã có đầy đủ thông tin về bệnh sử, thông tin kết quả thăm khám thông qua bệnh án điện tử. Bao gồm các thông tin như xét nghiệm, thông tin về chẩn đoán chức năng gồm điện tim, điện não, hô hấp... và thông tin về hình ảnh gồm Xquang, siêu âm, chụp CT, cộng hưởng từ... Cùng với đó, việc kết nối mạng các trung tâm y tế giúp tăng cường khả năng khai thác tài nguyên chung trong lĩnh vực y tế: thiết bị, chuyên gia, dữ liệu... Từ đó hình thành khả năng chẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn từ xa, hội chẩn từ xa cũng như đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

 

                Hệ thống Telemedicine kết nối Bệnh xá Trung đoàn 152 (đảo Thổ Chu) với Bệnh viện quân y 121 

 

Tại Việt Nam, dịch vụ y tế từ xa với sự hỗ trợ đắc lực của các thành tựu công nghệ thông tin- truyền thông đang được triển khai tại nhiều bệnh viện  nhằm xóa bỏ các rào cản về địa lý, góp phần tăng cường cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của người dân các vùng nông thôn, hải đảo, giảm chênh lệch về khoảng cách thụ hưởng y tế chất lượng cao các giữa các vùng miền, đồng thời góp phần giải quyết các khó khăn của ngành y hiện nay.

Thời gian qua, Bộ Y tế đẩy mạnh phát triển y học từ xa với việc thành lập các bệnh viện vệ tinh và cấp kinh phí để các bệnh viện hạt nhân kết nối y học từ xa. Đơn cử như: Bệnh viện Việt-Đức có sự kết nối với 20 bệnh viện vệ tinh. Hàng tuần, giữa các bệnh viện có sự trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm mổ trực tiếp để giảng dạy, chia sẻ các ca bệnh khó tới các bệnh viện, các tỉnh. Nhiều bệnh viện lớn khác như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K… cũng đều thiết lập một hệ thống bệnh viện vệ tinh. Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai dự án Chuẩn hóa quy trình khám chữa bệnh, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu y tế quân đội và hệ thống y học từ xa giữa các bệnh viện quân đội…

Theo GS.TS Trần Bình Giang, y học từ xa của Việt Nam được đánh giá là một trong những nền y học từ xa rất phát triển, đã kết nối từ bệnh viện trung ương tới các bệnh viện tuyến tỉnh, vùng sâu vùng xa, thậm chí đã kết nối tới các trạm y tế biển đảo như: đảo Trường Sa, Bạch Long Vĩ… Nhờ đó, nhiều ca bệnh khó tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, vùng biển đảo nhận được sự tư vấn từ tuyến trung ương mang lại hiệu quả cao, cứu sống cho nhiều bệnh nhân. 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh