CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Xót xa cảnh cơ cực của giáo viên mầm non miền núi

 

Nhà ở giáo viên của cô giáo Lục Thị Loan.


Xã Trung Lý, huyện Mường Lát cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 250 km về phía Tây. Gặp chúng tôi ông Ngân Văn Quyển, Phó chủ tịch UBND xã Trung Lý hồ hởi: “Trước đây Trung Lý được coi là xã nghèo nhất của huyện Mường Lát. Mấy năm trở lại đây được nhà nước quan tâm đầu tư cho địa phương nên xã đã “thay da, đổi thịt.Tuy nhiên lớp học mầm non và nhà ở giáo viên hiện nay trên địa bàn xã đang còn rất khó khăn” .

 

Cô Loan soạn lại bài sau mỗi buổi lên lớp.

 

Những cô giáo mầm non ở các điểm trường khác cũng chung cảnh khó khăn như cô Loan.


Xã Trung Lý có 16 bản thì 11 bản đang thiếu nhà lớp học mầm non và nhà ở giáo viên. Hiện các cháu đang phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn, hoặc nhà dân… Chỗ nào sang hơn thì mượn được phòng học của điểm trường tiểu học gần đó. Còn các cô giáo đang phải sống trong cảnh thiếu thốn, ở trong ngôi nhà dựng tạm bằng tranh tre, trống hơ trống hoắc.

Điểm trường bản Xa Lao đã có từ 10 năm trước, cách trung tâm xã hơn chục cây số. Cô Lục Thị Loan, giáo viên điểm trường này chia sẻ, cảnh cô trò ở các điểm trường vất vả lắm, nhưng thầy và trò phải cố gắng vượt khó. Học sinh không có phòng lớp, giáo viên thì phải ở trong túp lều tranh tre tạm bợ.

Cô Loan cho biết, mùa nắng tuy chỗ ở khô ráo, sạch sẽ hơn nhưng lại thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước nấu ăn hàng ngày, cô Loan phải đi cả vài cây số xuống mó (khe suối) lấy nước.

“Khổ nhất là việc tắm rửa. Hàng năm vào mùa khô, nước không có mà tắm. Có đợt phải hai ba ngày mới ra khe tắm, giặt một lần. Bệnh ngoài da nổi khắp người…” – cô Loan chia sẻ.

 

Chăn bông được gác lên tít mái nhà phòng trời mưa bất chợt ướt hết.


 “Mùa nắng thiếu nước vẫn còn sướng hơn…”

“Bởi mùa mưa đến, có những hôm trời mưa to, bản thân tôi phải chui xuống gầm bàn trú ẩn” – cô Loan nói. Nói là nhà giáo viên nhưng thực chất chỉ là cái lều được dựng lên bằng tranh tre tạm bợ. Mùa mưa, nước phả vào tấm phên tre hắt ướt hết phòng không thể ngủ được.

“Nhiều hôm trời mưa dầm dề, sách vở, bài giảng của tôi bị ướt hết. Quần áo, chăn bông cũng ướt sũng, mất cả tuần trời mới khô lại được. Đồ đạc trong nhà là vậy. Còn nền nhà bằng đất, nước từ trên đồi dội xuống khiến trong nhà như một cái ao”- cô Loan kể về cuộc sống của giáo viên vùng khó.

 

Cô Phạm Thị Vân, Hiệu trưởng Trường nầm non Trung Lý xót xa cho cuộc sống của những giáo viên điểm trường.


Mùa đông đến, ở vùng cao Mường Lát lạnh như cắt da cắt thịt. Những người giáo viên điểm trường như cô Loan ở trong nhà trùm chăn mà gió lạnh xuyên qua những nan tre thưa thớt thấu vào da thịt…

Trao đổi với chúng tôi, cô Phạm Thị Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Trung Lý cho biết, đến thời điểm hiện tại chỉ mới có 5 bản gần trung tâm xã là đã xây được nhà ở giáo viên và phòng học. 11 điểm còn lại vẫn đang phải dạy tạm bợ, giáo viên cũng không có chỗ ở kiên cố để chuyên tâm công tác.

“Nhìn thấy giáo viên của mình sống khổ cực như vậy bản thân tôi cũng đau lòng lắm chứ. Chỉ mong sao nhà nước quan tâm tới đời sống giáo viên miền núi để chúng tôi có đủ lớp học và nhà ở giáo viên kiên cố để chuyên tâm giảng dạy. Có như vậy tôi mới thấy nhẹ lòng”- cô Vân mong muốn.

Theo Lê Dương / vietnamnet.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh