THỨ NĂM, NGÀY 31 THÁNG 10 NĂM 2024 03:41

Xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực trẻ em

Sự gia tăng vụ việc trẻ bị bạo hành đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ nói riêng, ý thức, trách nhiệm của người lớn nói chung trong việc bảo vệ con trẻ trước nạn bạo hành. Ảnh minh họa

Sự gia tăng vụ việc trẻ bị bạo hành đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ nói riêng, ý thức, trách nhiệm của người lớn nói chung trong việc bảo vệ con trẻ trước nạn bạo hành. Ảnh minh họa

Trẻ bị bạo hành nhiều nhất là trong gia đình

Trẻ em có quyền được bảo vệ và nuôi dưỡng để phát triển toàn diện nhưng lại là đối tượng dễ bị bạo hành nhất, đặc biệt trong gia đình. Trong thực tế, một bộ phận gia đình chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm quan trọng của gia đình với việc nuôi dạy, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Xuất phát từ tâm lý kỳ vọng quá cao ở trẻ để mong trẻ sau này học giỏi thành tài dẫn đến việc cha mẹ thường xuyên thúc ép con học; đứa trẻ bị đôn đốc, thúc giục, răn đe… bằng nhiều cách và nhiều biện pháp từ nhẹ cho đến nặng. Thay vì hướng dẫn và rèn luyện cho trẻ tự học, đưa trẻ vào nền nếp thì cha mẹ lại căng thẳng, bất lực sử dụng những lời chì chiết, nhiếc mắng và cả sử dụng vũ lực để ép trẻ phải học.

Nhiều cha mẹ còn luôn nhìn thấy ở trẻ những thiếu sót, lỗi lầm nên ứng xử thiếu tôn trọng trẻ, luôn chê bai, quở mắng, trách phạt làm tổn thương tình cảm ở trẻ, từ đó trẻ luôn sống trong mặc cảm, tự ti hoặc ngang ngược, bất chấp. Đứa trẻ luôn cảm thấy cô đơn, thiếu thốn tình cảm. Sự phiến diện trong giáo dục, đặt nặng vấn đề giáo dục trí lực, coi nhẹ việc giáo dục về hành vi, phẩm chất, nhân cách của trẻ khiến cha mẹ cư xử bạo hành với trẻ cũng đồng nghĩa với việc xem nhẹ cảm xúc, tình cảm của trẻ.

Trẻ em sống trong môi trường gia đình không tốt, tâm tính của trẻ cũng thất thường, dễ ương ngạnh và nổi nóng, bộp chộp, thiếu suy nghĩ... Khi đến trường, trẻ đem theo những hành vi xấu đến lớp, không tuân thủ kỷ luật trường, thiếu tôn kính thầy cô giáo…, từ đó có thái độ bướng bỉnh, buông thả trong học tập nên ảnh hưởng đến năng lực học hành. Những trận đòn roi thường xuyên từ bé dễ dàng ăn hằn trong đầu đứa trẻ, khiến chúng sống nhút nhát, bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi lớn lên. Những đứa trẻ được giáo dục bằng đòn roi, bằng bạo hành thường chai lì cảm xúc, là đối tượng rất dễ trở thành kẻ xấu, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn mỗi khi cần.

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2021, cả nước phát hiện gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, với gần 2.200 đối tượng. Trong đó, trẻ bị bạo lực bởi chính người thân trong gia đình chiếm tới gần 73% (tăng hơn 5% so với năm liền trước), với một số vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc xã hội. Sự gia tăng vụ việc trẻ bị bạo hành đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ nói riêng, ý thức, trách nhiệm của người lớn nói chung trong việc bảo vệ con trẻ trước nạn bạo hành.

Theo nhiều ý kiến phân tích, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình; một bộ phận các gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, không quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà giao phó cho nhà trường. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới trong gia đình có diễn biến phức tạp... Trong khi đó, đối tượng trẻ em bị xâm hại rất đa dạng; hành vi biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Ở những nơi trẻ em thường xuyên phải chứng kiến những hình ảnh, sự việc không đẹp đó, ắt chúng hoặc bị khủng hoảng tâm lý “đòn roi”, lệch lạc trong suy nghĩ dẫn đến lệch lạc trong hành động, có xu hướng áp dụng các hành vi bạo lực đối với người khác trong tương lai, dễ bị rơi vào khủng hoảng tâm sinh lý, hoặc thu mình, rồi dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn trong tương lai.

Gia đình hạnh phúc, được cha mẹ yêu thương là ước mơ của mọi trẻ em. Ảnh minh họa

Gia đình hạnh phúc, được cha mẹ yêu thương là ước mơ của mọi trẻ em. Ảnh minh họa

Cần thiết xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc

Có thể nói thời gian qua, hiệu quả của việc thực thi pháp luật và các mô hình phòng, chống bạo lực chưa được đánh giá một cách khách quan, tồn tại những khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế thực hiện. Vẫn còn những khoảng trống pháp lý trong nỗ lực đưa ra ánh sáng những hành vi bạo hành thể xác và tinh thần trẻ em. Kiến thức và nhận thức pháp luật về bạo lực gia đình của cha mẹ vẫn còn hạn chế, lệch lạc. Yếu tố cốt lõi của vấn đề này là do bạo lực trẻ em trong gia đình vẫn bị coi là vấn đề riêng tư, là chuyện trong nhà "đóng cửa bảo nhau", xã hội không nên can thiệp; coi hành vi dạy dỗ bằng bạo lực là đương nhiên, có thể chấp nhận được kiểu biện hộ "yêu cho roi cho vọt".

Phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình cần thiết đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng nhân cách. Từng bước triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của gia đình, của ông, bà, cha, mẹ và các thành viên khác trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, mỗi bậc cha mẹ không chỉ quan tâm, chăm sóc mà còn phải tôn trọng, hiểu đúng về con trẻ để việc giáo dục đúng, đạt hiệu quả. Cụ thể là phải tạo được sự gần gũi, thân mật, tin tưởng ở con trẻ, để con trẻ coi mình là những người bạn lớn mà chia sẻ tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý bên trong, từ đó cha mẹ, ông bà có thể hiểu được các mối quan hệ, khát vọng, cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng, mong muốn, sở thích, lo lắng, niềm vui, nỗi buồn của con trẻ.

Ngày 14/11/2022, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), quy định những hành vi bạo lực gia đình như sau:

Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình

1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin thuộc đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

vu gia dinh

Nam Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

Ngày 26-9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh