Vui chơi thúc đẩy cơ hội phát triển của trẻ em
- Đông Y
- 20:05 - 16/07/2023
Vui chơi là cách để trẻ lớn lên
Vui chơi chính là bài học, là công việc đầu tiên của mỗi đứa trẻ. Mặc dù các bậc cha mẹ thường đề cao tầm quan trọng của việc học tập đối với sự khôn lớn của trẻ, nhưng các hoạt động vui chơi luôn mang lại nhiều lợi ích và góp phần không nhỏ trong sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Phát triển thể chất: Cơ thể của trẻ em luôn sẵn sàng hoạt động và có nhu cầu rất lớn về vận động dù đó là bất kỳ loại trò chơi nào. Tham gia các trò chơi có tính chất vận động sẽ giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, thúc đẩy sự khéo léo, linh hoạt.
Phát triển cảm xúc: Trẻ em thường sử dụng trò chơi giả vờ để diễn tả những điều chúng thấy trong cuộc sống. Ví dụ, bố mẹ trông như thế nào, việc nấu ăn và thưởng thức ra làm sao… Kịch tính nhất là khi trẻ chơi trò công an bắt kẻ xấu, mâu thuẫn có thể xảy ra khi ai cũng đòi làm chú công an và nhất quyết không chịu đóng giả là kẻ xấu… Nhưng dù là ai, được trải nghiệm làm những “nhân vật” không phải là chính mình cũng sẽ mang đến những cảm xúc và làm phong phú khả năng nhận biết cuộc sống của trẻ.
Phát triển những kỹ năng xã hội: Phần lớn thời gian trong ngày, trẻ được hướng dẫn phải làm gì, khi nào và ở đâu… Nhưng trong thế giới của trẻ em, chúng có cơ hội đặt ra các quy tắc, làm chủ cuộc chơi, học cách chia sẻ, giải quyết xung đột, đưa ra quyết định. Mặc dù một số trẻ có những kỹ năng nào đó hơn trẻ khác nhưng hầu hết trẻ em có thể phát triển những kỹ năng xã hội tuyệt vời thông qua việc chơi với những đứa trẻ khác.
Vượt qua thử thách: Trẻ em thường muốn tạo ra thử thách trong trò chơi của chúng. Thông qua các trò chơi mạo hiểm, thử thách, trẻ tự kiểm tra và tìm ra giới hạn của chính mình. Trẻ học cách đối phó với rủi ro thông qua chơi và có thể sử dụng những kỹ năng tương tự này sau này trong cuộc sống.
Tôn trọng sự khác biệt: Vui chơi giúp trẻ tìm hiểu thế giới tự nhiên và phát triển giác quan thông qua việc quan sát và khám phá. Con cá chỉ sống được ở dưới nước, con người chỉ sống được ở trên cạn, con bò cần ăn cỏ, cây xanh cần ánh sáng… Sự hiểu biết về môi trường sống của mỗi loài giúp trẻ biết tôn trọng sự khác biệt và còn có thể giúp trẻ phòng tránh những rủi ro trong môi trường sống.
Vui chơi để kết nối gia đình
Nhiều trẻ em bẩm sinh đã có khả năng chơi đùa, nhưng một số trẻ khác sẽ cảm thấy khó khăn hơn và cần “học hỏi”. Bất kỳ ai dành nhiều thời gian với trẻ nhỏ đều hiểu rằng, việc tạo cơ hội cho chúng vui chơi sẽ mang lại nhiều lợi ích. Mặc dù điều quan trọng là trẻ em thích chơi với các bạn cùng trang lứa và được tạo cơ hội để chơi tự do, nhưng những đứa trẻ chơi với cha mẹ có thể được hưởng lợi rất nhiều.
Chơi là quyền lợi của mọi trẻ em bởi vì chơi đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của trẻ. Đây cũng là điều được Liên hiệp quốc nhấn mạnh trong Quyền trẻ em.
Giúp trẻ chơi hết mình: Đừng áp đặt lên con những điều "bố mẹ muốn" hay "con phải thế này" khi chơi cùng trẻ. Bố mẹ hãy chơi theo con, để con tự do sáng tạo hết mình và trở thành người bạn chơi "tâm đầu ý hợp" của con. Hãy luôn lắng nghe và quan sát để giúp con thực hiện tốt hơn những mong muốn của mình khi chơi. Tuy nhiên, hãy chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn và điều chỉnh, giúp đỡ để con chơi đùa vui hơn, an toàn hơn và sáng tạo hơn.
Dạy trẻ về sự tôn trọng: Cha mẹ thường đợi đến cuối tuần để đưa con đi công viên hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Nhưng trẻ em phát triển nhân cách và cảm xúc hàng ngày, hàng giờ, do đó, thay vì chờ đợi, hãy dành một khoảng thời gian nhất định để chơi với con mỗi ngày. Khi đã chơi cùng con, cha mẹ hãy tạm dừng mọi nhu cầu cá nhân để tập trung sự chú ý vào cảm xúc vào trẻ cũng như để trẻ phát triển trò chơi theo cách riêng của mình. Sự tập trung không chỉ giúp cho thời gian chơi của cả nhà thực sự vui vẻ mà còn là cách giúp trẻ cảm thấy được tin tưởng, tôn trọng và hiểu hơn về giá trị của gia đình.
Hình thành nhân cách: Ngoài những cuộc trò chuyện thân mật, chơi cùng con cũng là phương pháp để cha mẹ nhận biết tính cách, sở thích, cảm xúc của con. Nếu như những bài học đạo đức giúp định hướng suy nghĩ và hành động của trẻ thì trò chơi sẽ là nơi để trẻ bộc lộ tính cách, điểm mạnh, điểm yếu. Từ đó, cha mẹ sẽ có những phương pháp giáo dục phù hợp, kịp thời giúp trẻ hình thành nhân cách tốt hơn.
Giúp trẻ biết yêu thương: Chơi cùng con là cách để cha mẹ thể hiện tình yêu thương với con. Cảm nhận được tình yêu của cha mẹ cũng chính là cơ hội để trẻ mang yêu thương của chính mình đến mọi người.
Chơi và trị liệu: Thông qua đồ chơi, trò chơi và các tương tác cụ thể, bố mẹ giúp trẻ cải thiện những khó khăn có thể gặp như rối loạn về cảm xúc, chậm nói, khó hòa nhập xã hội...